Thị trường bán lẻ Việt Nam: Muốn đứng vững, phải có hướng đi riêng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 10/04/2018
Thị trường bán lẻ hấp dẫn
Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, Trung tâm thương mại Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành (quận 11, TP Hồ Chí Minh) đã thông báo đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Đây là trung tâm thương mại thứ 4 của hệ thống này đóng cửa trên cả nước (trước đó hai trung tâm thương mại Parkson tại Hà Nội và một trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh cũng đã đóng cửa). Với 4 trung tâm thương mại đóng cửa từ năm 2015 đến nay, Parkson lộ dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam, nơi được chính thương hiệu này trước đó từng đánh giá là đầy tiềm năng. Việc Parkson phải lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã gây sốc cho thị trường bán lẻ Việt Nam sau khi có không ít nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này rời bỏ thị trường Việt Nam như Metro Cash & Carry, Best Carings, HomeOne, Sapomart…
Quầy bán lẻ rau xanh tại siêu thị Big C. Ảnh: Hiền Thanh |
Dù đang dần cạnh tranh gay gắt hơn, song theo báo cáo vừa được Grant Thornton Việt Nam công bố mới đây cho biết, Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư “rất hấp dẫn”. Trong đó, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ vẫn là những ngành thu hút nhất. Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội được CBRE công bố cũng cho thấy, năm 2018 sẽ hứa hẹn là một năm bùng nổ của thị trường bán lẻ khi chuẩn bị đón nhận nguồn cung mới từ 8 dự án với tổng diện tích khoảng 186.000m2.
Đây là số dự án khai trương lớn nhất từ trước tới nay, chỉ sau năm 2013 về quy mô diện tích.
Tìm hướng đi riêng để cạnh tranh
Dù không ít nhà đầu tư đã bỏ cuộc, song có thể thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất lớn. Ngay cả FamilyMart, dù đang thua lỗ lớn, vẫn kiên trì ở lại. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Cicle K, Vinmart vẫn tiếp tục mọc lên và hiện diện trên khắp các đường phố Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Tập đoàn Central Group thông báo sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi siêu thị BigC. Còn Aeon Mall mới đây đã công bố xây dựng trung tâm thương mại thứ hai tại Hà Nội ở Hà Đông. Auchan, đại gia bán lẻ Pháp, đối thủ của các ông lớn như Wal-Mart, Carrefour, Lotte, Metro, Big C… cũng đang dần từng bước thâm nhập thị trường Việt. Những con số cho thấy, nếu chọn đúng hướng kinh doanh, các nhà đầu tư vẫn có thể thắng lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020 từ mức 102 tỷ USD năm 2015, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2015. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Đây là những con số tiềm năng thể hiện sức hấp dẫn rất lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Đó là chưa kể tới việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo cơ hội để Việt Nam gia nhập các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao; cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các nhà bán lẻ “nội” đang hết sức nỗ lực để giữ vững thị phần. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mở rộng mạng lưới, đồng thời hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú, điển hình là hệ thống Vinmart, Hapro, Co.op mart,…Tính đến cuối năm 2017, hệ thống VinMart & VinMart+ đã có quy mô 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành chuỗi bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam. Theo kế hoạch, VinMart & VinMart+ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ phát triển với mục tiêu đạt 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc vào năm 2020.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho biết, để cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài, Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và tiếp tục phát triển thương hiệu Hapro ra các khu vực dân cư mới, khu vực ngoại thành; tập trung phát triển thị trường nông thôn, coi đây là khu vực thị trường chiến lược trong thời gian tới... Tương tự, Saigon Co.op xác định tiếp tục mở rộng hệ thống Co.opmart, Co.opFood với quy mô vừa; tiếp tục liên doanh với các đối tác để triển khai những mô hình lớn như đại siêu thị Co.opXtra, khu phức hợp Vivo City...
Có thể thấy, trong tương lai, các nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm chi phí vận hành tăng cao, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn… Từ đây, các nhà bán lẻ phải nâng cao các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, đưa ra được phương án bán lẻ độc đáo, các đối sách cạnh tranh, chiến lược cụ thể phù hợp với người tiêu dùng, bảo đảm cho người tiêu dùng được trải nghiệm mua sắm toàn diện, tiện lợi, phù hợp.