Không phát hiện chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi

Kinh tế - Ngày đăng : 13:42, 10/04/2018

(HNMO) - Ngày 10-4, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị chuyên đề quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.


Từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường tổ chức giám sát ATTP các sản phẩm rủi ro cao tiêu thụ trong cả nước. Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan trung ương và 39/63 tỉnh, thành phố thực hiện trong quý I-2018 cho thấy: Các ngành chức năng đã kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 145 mẫu thịt, 678 mẫu nước tiểu.

Tuy nhiên, vẫn còn 1/418 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất; 130/949 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh. Tỷ lệ rau củ quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 3/594 mẫu; tỷ lệ mẫu thủy sản các loại vi phạm kháng sinh là 24/819 mẫu. Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ NN&PTNT đã tổ chức thanh tra, xử lý cơ sở chế biến xúc xích tại Thái Bình (xử phạt 64 triệu đồng, buộc doanh nghiệp tổ chức tiêu hủy 600 con gà, 1.500kg xương lợn, 200kg mỡ lợn, 700kg da gà, 500kg bì lợn và 240kg phụ gia thực phẩm quá hạn sử dụng).

Đồng thời, thanh tra xử phạt 132,5 triệu đồng đối với 4 trường hợp tiêm thuốc an thần với số lượng 251 con lợn thịt tại 4 cơ sở giết mổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; xử phạt 32 triệu đồng đối với 2 trường hợp bơm nước vào 5 con lợn thịt tại tỉnh Quảng Nam và Tiền Giang. Tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin phát hiện Aflatoxin trong 100% mẫu ớt bột do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh công bố, đang chờ kết quả phân tích mẫu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong các tháng còn lại của năm 2018, Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt bảo đảm ATTP, trọng tâm là nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản…

Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt các chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, trọng điểm là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

Các địa phương đẩy mạnh xây dựng và triển khai các đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và hệ thống quản lý chất lượng, ATTP tiên tiến.

Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; tổ chức kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định.

Ngọc Quỳnh