Xóa nợ thuế: Tránh trục lợi
Tài chính - Ngày đăng : 07:18, 10/04/2018
Đề xuất xóa 26.500 tỷ đồng nợ thuế
Trong tổng số 26.500 tỷ đồng nợ thuế mà Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ lần này, tập trung nhiều nhất là khu vực sản xuất, kinh doanh, với 24.302 tỷ đồng. Đó là những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 1-1-2017, không còn khả năng nộp ngân sách và đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ảnh minh họa: Internet |
Theo Bộ Tài chính, số nợ không có khả năng thu hồi ngày càng cao do việc xóa nợ thuế trong thực tế gặp nhiều khó khăn vì vướng quy định pháp lý. Đơn cử, khoản nợ thuế quá 10 năm chỉ được xóa nếu cơ quan thuế đã thực hiện tất cả biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào được xóa nợ thuế do không đáp ứng điều kiện vừa nêu. Một trường hợp phổ biến khác là người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, không còn tài sản để nộp thuế nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết, mất tích còn tài sản hay không. Từ đó, số nợ thuế trong báo cáo hằng năm cứ tăng lên do phải tính thêm tiền phạt chậm nộp với mức tính 0,03%/ngày, tương đương khoảng 11%/năm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, 26.500 tỷ đồng là số nợ thuế thực chất không thể thu được. Tuy nhiên, do vướng quy định hiện hành nên cứ “treo” từ năm này sang năm khác. Nó sẽ như một án treo, thậm chí để còn ảnh hưởng tới doanh nghiệp và mất cân đối thu chi ngân sách. Việc xóa tiền chậm nộp thuế cho những doanh nghiệp bị khó khăn bất khả kháng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng trả tiền nợ thuế.
Thực hiện chặt chẽ
Trong kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Tổng cục Thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị Chính phủ cho xóa nợ thuế với những khoản không có khả năng thu hồi. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính và chỉ đạo phải thực hiện chặt chẽ.
Nhận xét về đề xuất xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất, với những trường hợp được đề nghị xóa nợ sẽ phải xét duyệt cẩn thận, tránh tình trạng lạm dụng. Chủ trương này là phù hợp, nhưng quá trình thực thi phải bảo đảm minh bạch và công bằng, không thể để lợi dụng gây thất thoát của Nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thực tế cho thấy nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh. Hiện tại, có những trường hợp tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế, nếu chúng ta không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế.
Để khoanh nợ, xóa nợ đúng đối tượng, bảo đảm tính công bằng và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành liên quan cần rà soát, quản lý tốt các đối tượng trong diện được khoanh nợ, xóa nợ thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát để giảm thiểu rủi ro...
Theo dự thảo đề xuất xóa nợ thuế của Bộ Tài chính vừa hoàn thiện, việc xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán. Xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-1-2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng... |