Sản xuất sạch ở Đồng Phú

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 11/04/2018

(HNM) - Không sử dụng bất cứ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ nào, người dân xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) tự ủ phân bón hữu cơ, dùng thuốc trừ sâu sinh học mỗi khi cây bị bệnh, lọc nước sạch trước khi đưa vào ruộng... Sản xuất hữu cơ không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn giúp sức khỏe người làm ruộng ngày một tốt hơn.



Thay đổi thói quen

Chuyển sang trồng lúa hữu cơ từ năm 2012, gia đình bà Lê Thị Hồ ở thôn Thượng Phúc (xã Đồng Phú) là một trong những hộ đầu tiên trồng lúa hữu cơ và có diện tích lớn nhất thôn với 3.600m2. Bà cho biết: “Do không sử dụng thuốc trừ cỏ nên gia đình tôi phải làm cỏ 3 lần/vụ; bắt ốc bươu vàng và diệt trứng ốc; ủ phân bón ruộng…”. Tuy vất vả nhưng bù lại sau mỗi vụ gặt gia đình bà thu về những hạt lúa sạch, bán được giá cao hơn. Hơn nữa, do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ nên sức khỏe tốt hơn trước nhiều. Lúa vụ này đang thời kỳ đẻ nhánh, bà Hồ đã ủ sẵn phân hữu cơ cho vụ sau. “Tôi mua phân gà về ủ trấu và men vi sinh rồi che phủ ni lông theo hướng dẫn để làm phân bón cho cây trồng” - bà Hồ chia sẻ.

Cùng thôn Thượng Phúc, chị Lê Thị Lương cũng trồng 3 sào lúa hữu cơ. Gia đình chị Lương tham gia mô hình từ năm 2014 và duy trì đến nay. “Ngoài gạo ăn cho gia đình, mỗi năm còn bán được khoảng 3 triệu đồng tiền thóc” - chị Lương cho biết. Sản xuất hữu cơ không chỉ trong thời kỳ trồng, chăm sóc, thu hoạch mà ngay trong bảo quản. Ở Đồng Phú, sau mỗi vụ gặt, lúa được phơi khô rồi đóng vào bao tải dứa trắng, bên ngoài bọc ni lông và bỏ một vài nhánh tỏi để chống mọt.

Bà Lê Thị Hòa, Phó Trưởng thôn, kiêm Phó Trưởng nhóm sản xuất lúa hữu cơ thôn Thượng Phúc cho biết, hiện nhóm có 90 hộ sản xuất hữu cơ. Để quản lý mô hình, đáp ứng tiêu chí sản xuất hữu cơ, nhóm chia thành các tổ nhỏ, giám sát chéo nhau. Vào nhóm, các hộ phải cam kết thực hiện quy ước chung và đã có 3 hộ dân bị phạt vì không chấp hành...

Tiếp tục mở rộng mô hình

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phú Lê Trọng Quỳnh, phong trào sản xuất hữu cơ ở Đồng Phú khởi đầu năm 2012. Khi đó, Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai dự án sản xuất hữu cơ tại xã (dự án kết thúc năm 2014). Qua đánh giá cho thấy, phương thức canh tác này tuy năng suất thấp hơn so với truyền thống (khoảng 20%) nhưng bảo đảm yêu cầu chất lượng, độ thơm ngon của cơm nên giá trị tăng gấp đôi, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe nông dân. Nhờ vậy, sau khi kết thúc dự án, người dân vẫn duy trì và mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ. Từ 2 mẫu ruộng ban đầu, mô hình sản xuất này đã mở rộng lên 3ha vào năm 2014 và đến nay là 47ha.

Ngoài thôn Thượng Phúc, phong trào sản xuất hữu cơ đã lan rộng tới 3 thôn của xã là: Hạ Dục, Hòa Xá và Hoàng Xá. Trong đó, 100% hộ dân thôn Thượng Phúc trồng lúa hữu cơ. Đặc biệt, tháng 9-2017, xã Đồng Phú đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ để chỉ đạo sản xuất, làm dịch vụ thu mua lúa hữu cơ của nhân dân rồi xay xát và đóng gói tiêu thụ.

Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, hợp tác xã đang thu mua thóc cho nông dân với giá 14.000 đồng/kg (trong khi lúa thường chỉ 7.000 đồng/kg). Năm 2016, địa phương đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể gạo hữu cơ Đồng Phú và có hợp đồng liên kết với một số đơn vị bao tiêu sản phẩm. Tuy đã đạt hiệu quả cao, song việc mở rộng diện tích còn khó khăn do sản xuất hữu cơ đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, phải sản xuất theo vùng tập trung. Do vậy, việc vận động các hộ dân đồng loạt sản xuất không đơn giản bởi họ chưa mặn mà với nông nghiệp sạch. “Chúng tôi đang vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, các hộ không có nhu cầu thì cho thuê ruộng để hình thành những vùng sản xuất tập trung, mở rộng diện tích lúa hữu cơ trong thời gian tới” - bà Nguyệt chia sẻ về định hướng sản xuất của địa phương.

Minh Phú