Bài cuối: An toàn tính mạng và tài sản của dân

Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 12/04/2018

(HNM) - Trong khi công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cao tầng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các chủ đầu tư, ban quản trị; ý thức chấp hành các quy định về vấn đề này của một bộ phận cư dân còn thấp thì nguy cơ hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng đã, đang và sẽ luôn thường trực.


Kiểm tra, hướng dẫn khắc phục vi phạm

Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, để xử lý dứt điểm tồn tại ở 29 công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy, hiện đơn vị này đang tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng của thành phố và UBND các quận, huyện đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các nội dung còn tồn tại để
được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Cư dân tòa nhà Capital Garden 102 Trường Chinh (quận Đống Đa) yêu cầu chủ đầu tư nghiệm thu hạ tầng phòng cháy chữa cháy.


Thiếu tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết: Chúng tôi đang tập trung kiểm tra định kỳ 2 tuần/lần đối với các công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy. Riêng các công trình vi phạm của doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên kiểm tra 7 ngày/lần. Đặc biệt, thực hiện “phân nhóm” các trường hợp vi phạm để lên phương án khắc phục.

Cụ thể, đối với những tồn tại có thể khắc phục được ngay (về hồ sơ quản lý hoạt động phòng cháy chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở; khắc phục việc cản trở giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy;…), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội đang yêu cầu và hướng dẫn cơ sở khẩn trương tổ chức khắc phục. Với những tồn tại chưa thể khắc phục được ngay (bố trí nguồn nước phục vụ chữa cháy, lắp đặt cửa chống cháy buồng thang và các phòng kỹ thuật, bố trí lại mặt bằng, công năng sử dụng…), yêu cầu cơ sở có kế hoạch tổ chức khắc phục và cam kết về tiến độ thực hiện.

Các nội dung thực hiện liên quan đến việc thay đổi quy mô, công năng sử dụng của công trình phải được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy trước khi thực hiện. Trong khi đó, với những tồn tại không thể khắc phục được (không đủ số lượng lối thoát nạn, do kết cấu và hiện trạng sử dụng của công trình không thể trang bị bổ sung phương tiện phòng cháy chữa cháy, đơn vị chủ quản không bảo đảm kinh phí thực hiện…), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội đang nghiên cứu, hướng dẫn giải pháp bổ sung về phòng cháy chữa cháy đối với từng công trình cụ thể.

Khắc phục vi phạm ở chung cư tái định cư

Theo kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá của liên ngành: Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, đến ngày 31-12-2017, Hà Nội có 180 tòa nhà chung cư tái định cư được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Nhưng có đến 150/180 tòa nhà và 5 trạm bơm cần phải sửa chữa, nâng cấp, lắp mới hệ thống phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có 132/136 tòa và 5 trạm bơm; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội có 18/22 tòa nhà.

Thực tế, hệ thống phòng cháy chữa cháy nhà chung cư tái định cư đang rơi vào tình trạng báo động. Phổ biến nhất là không hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, không hệ thống chữa cháy vách tường... Theo đánh giá của cơ quan liên ngành, những hạng mục phòng cháy chữa cháy hư hỏng cần sửa chữa hoặc nâng cấp đòi hỏi nguồn kinh phí ước tính lên tới... hàng trăm tỷ đồng!

Ngày 21-2-2018, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 161/TB-UBND Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về việc thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các nhà chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội; giao Sở Xây dựng rà soát, tham mưu, đề xuất lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện Dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy đối với các nhà chung cư tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Theo đề nghị của Sở Xây dựng, ngày 30-3-2018, UBND thành phố đã có văn bản giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố thực hiện công tác cải tạo, sửa chữa nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy đối với nhà chung cư tái định cư. Hiện tại, các đơn vị đang quản lý vận hành các tòa nhà tái định cư sẽ khẩn trương cung cấp hồ sơ liên quan đến hệ thống phòng cháy chữa cháy tòa nhà tới Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố để rà soát, thống kê các hạng mục phòng cháy chữa cháy cần sửa chữa, thay thế, nâng cấp, lên dự toán trình thành phố phê duyệt kinh phí đầu tư.

Trong khi các nội dung tồn tại chủ yếu của phòng cháy chữa cháy nhà chung cư liên quan đến kinh phí bảo trì, bảo dưỡng đã và đang được thành phố quan tâm tháo gỡ, thì có những lỗi vi phạm có thể thực hiện ngay, không tốn kém kinh phí. Cư dân có ý thức trong quá trình sử dụng: Không để đồ dùng, vật dụng trên hành lang, cầu thang bộ thoát nạn, đóng khóa cửa thoát nạn, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt đúng nơi quy định... Đừng để đến khi “bà hỏa” ghé thăm mới giật mình...

Trong quý I-2018, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội kiểm tra 3.873 lượt cơ sở; ban hành 434 công văn kiến nghị về công tác phòng cháy chữa cháy; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy 226 lượt cơ sở với tổng số tiền là 3.403.800.000 đồng, tạm đình chỉ 72 lượt, đình chỉ 54 lượt hạng mục, công trình.

Nhóm PV Ban Bạn đọc