Không nên "chạy" theo phong trào
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 13/04/2018
Thế nhưng, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng trồng cây ăn quả có múi vượt quy hoạch về diện tích ở không ít địa phương, điển hình là Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình... dẫn tới những nguy cơ lặp lại nhiều hệ lụy không tốt. Chẳng hạn như tại “thủ phủ” cam Cao Phong (Hòa Bình), sau vài vụ được giá, nhiều nông dân trở thành tỷ phú thì cuối năm 2017, giá cam chỉ còn một nửa so với trước do diện tích trồng cam tăng vọt, khiến bà con lao đao. Tại Hà Nội, mấy năm gần đây ở một số huyện đã thực hiện tốt chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó trồng các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi... phát triển khá mạnh, cho hiệu quả rõ rệt. Dù diện tích cây có múi vẫn trong quy hoạch nhưng theo phản ánh giá cả sản phẩm đầu ra đã có dấu hiệu bấp bênh, đi xuống...
Như đã nói, không thể phủ nhận, thời gian qua nhiều nông dân khấm khá hẳn nhờ chuyển đổi từ diện tích ao, vườn, ruộng canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi. Vậy nhưng, điều quyết định tới sự thành bại của một vụ sản xuất có thu hoạch lại phụ thuộc vào giá cả đầu ra của sản phẩm. Mặc dù hiện nay đã có các đơn vị, doanh nghiệp đứng ra liên kết sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng số nông dân trồng cây ăn quả có múi ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, diện tích và sản lượng đang tăng trưởng “nóng” theo cấp số nhân nên dễ dẫn tới tiêu thụ trái cây có múi sẽ gặp khó khăn, rất dễ gặp cảnh bị rớt giá do thừa hàng, trong khi khâu chế biến, bảo quản trái cây sau thu hoạch còn khá yếu.
Với thực trạng trồng cây ăn quả có múi tự phát, vượt quy hoạch trong thời gian qua, hơn bao giờ hết, các cấp, các ngành chức năng cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, định hướng trồng cây ăn trái dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng miền, địa phương, gắn với nhu cầu thị trường và hỗ trợ, tạo gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cơ quan quản lý cần kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến lớn, đồng thời thay vì chạy theo số lượng, người dân cần tăng về “chất” các loại trái cây có múi để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, do mới chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả có múi nên nhiều địa phương còn gặp khó trong công tác quy hoạch và định hướng sản xuất; cây ăn quả có múi cũng là loại cây trồng mới tại nhiều địa phương nên cũng gặp khó và hạn chế trong việc định hướng, hỗ trợ nông dân về chọn giống, kỹ thuật trồng, thị trường… Do vậy, nông dân cần sáng suốt và quan tâm tìm hiểu kỹ về các loại cây ăn quả để lựa chọn cây trồng phù hợp, tránh chạy theo phong trào, ồ ạt trồng rồi chặt bỏ.
Nói cách khác là, thay vì chạy theo phong trào, các địa phương cần xây dựng ngay quy trình canh tác cụ thể với từng loại cây trái nói chung và cây ăn quả có múi nói riêng để nông dân áp dụng vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, cần cập nhật thường xuyên, liên tục các thông tin về tình hình phát triển cây ăn trái, thị trường tiêu thụ, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trị sâu bệnh… cho nông dân và có các khuyến cáo, cảnh báo kịp thời về tình trạng thừa nguồn cung. Có như vậy mới tránh được nguy cơ “vỡ trận” do thừa ế sản phẩm từ cây ăn quả như đã diễn ra với các mặt hàng nông sản khác trong thời gian qua.