Loại bỏ nguy cơ tai nạn với trẻ em

Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 13/04/2018

(HNM) - Thời gian gần đây, trẻ em ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh lân cận liên tiếp gặp nạn do uống nhầm hóa chất, hóc dị vật, bị đuối nước trong nhà, bị động vật cắn...

Tăng số ca ngộ độc hóa chất

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận hơn 20 bệnh nhi nhập viện do uống nhầm xăng dầu và các chất độc hại khác. Trẻ bị ngộ độc cấp, tổn thương nội tạng và có trường hợp nguy kịch. Điển hình, cách đây 3 tuần, cháu V.G.B mới 17 tháng tuổi (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đang chơi một mình ở vườn nhà, do khát nước nên đã cầm chai có vỏ bên ngoài như chai nước ngọt dựng ở gốc cây để uống. Tuy nhiên, bên trong chai nước là xăng nên ngay sau đó cháu bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố cấp cứu trong tình trạng tím tái, phải thở máy; cháu bé phải lọc máu, nuôi ăn theo đường tĩnh mạch hơn 2 tuần mới có thể phục hồi.

Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cũng vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân 16 tuổi ở tỉnh Bạc Liêu. Do uống nhầm chất xúc tác làm composite nên cháu được đưa gấp lên Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu trong tình trạng cháy rát cổ họng. Tại đây, các bác sĩ đã rửa ruột và dạ dày nhưng bệnh nhân vẫn không thể ăn uống được. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ phát hiện dạ dày em đã bị teo, thực quản và ruột nối với dạ dày bị bịt kín khiến thức ăn không xuống được dạ dày. Bác sĩ đã phải cắt dạ dày, phẫu thuật tạo hình dạ dày từ ruột non cho cháu... Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại mà còn tác động đến sự phát triển lâu dài của cháu về sau...


Ảnh minh họa: Internet


Hiểm họa... trong nhà

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, trong chính ngôi nhà chúng ta có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tâm đối với trẻ nhỏ. Đó là những tai nạn thường gặp như trẻ ngã vào xô trữ nước trong nhà vệ sinh, ngã vào bể cá cảnh, trẻ chui vào máy giặt, trẻ hóc dị vật do chơi đồ chơi, ăn trái cây, ngã cầu thang... Cách đây ít lâu, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã bất lực, không cứu được cháu bé 10 tháng tuổi tự ngã vào xô nước trong nhà vệ sinh. Khi người cha phát hiện, cháu bé đã nguy kịch và tử vong sau khi nhập viện.

Không bao giờ để trẻ nhỏ rời khỏi tầm mắt của người lớn là lời khuyên của bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1. Theo bác sĩ Khanh, trẻ 1-5 tuổi thích khám phá, nên có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn. Mới đây Khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một trường hợp tai nạn thương tâm với bé trai 20 tháng tuổi. Khi nghe tiếng chuông điện thoại reo trên gác lửng, bé trai 20 tháng tuổi đã leo lên lấy, không may trượt tay rơi xuống, đầu đập vào nền nhà. Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện cháu bị nứt sọ, gãy xương mũi, xuất huyết não.

Bên cạnh đó, còn một loại tai nạn thương tâm, gây sốc và ảnh hưởng tâm lý trẻ khi trưởng thành là bị chó cắn. Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhi bị chó cắn vào mặt. Trường hợp nặng nhất là cháu bé 9 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai. Cháu bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng hoảng loạn, mũi bị chó cắn đứt hẳn. Theo bác sĩ Đẩu, trẻ nhỏ hay bị chó cắn vào vùng mặt do chiều cao của trẻ vừa tầm với những chú chó và do trẻ tiếp cận gần con vật, hay trêu chọc chúng.

Theo bác sĩ Đẩu, để phòng tránh tai nạn cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn xung quanh nhà và chuẩn bị kỹ năng cơ bản như băng bó vết thương, sơ cứu khi trẻ bị bỏng, trẻ bị hóc nghẹn, trẻ uống phải hóa chất...

Tuệ Diễm