Loại bỏ công chức biến chất
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 13/04/2018
Trước đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Cục Hải quan TP Hải Phòng kiểm tra, báo cáo sự việc; đồng thời xử lý cá nhân, tập thể có liên quan; triển khai nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm của cán bộ, công chức. Cả Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đều khẳng định, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những công chức thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật.
Những sự việc nêu trên một lần nữa cho thấy môi trường nhạy cảm, phức tạp giữa người thực thi công vụ và doanh nghiệp có quan hệ trực tiếp, liên quan đến lợi ích. Một cán bộ, công chức thoái hóa sẵn sàng nhũng nhiễu, gây khó khăn để buộc doanh nghiệp phải "lót tay". Doanh nghiệp có thể vì muốn được việc, bỏ qua sai phạm mà sẵn sàng chi "lót tay" cho cán bộ, công chức. Thậm chí, với một số doanh nghiệp, những khoản chi phí không chính thức này trở thành một phần không thể thiếu trong các thương vụ; và việc nhận những khoản "lót tay" cũng trở nên bình thường trong ý thức của một số công bộc.
Thực tế những năm gần đây, ngành Tài chính đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thủ tục nộp thuế điện tử, hải quan điện tử để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức với doanh nghiệp nhằm ngăn chặn tiêu cực. Cùng với đó, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, với tinh thần kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đi đôi với xử lý nghiêm vi phạm. Tuy nhiên, ranh giới giữa bản lĩnh và cám dỗ cũng rất mong manh, vì thế vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, việc loại bỏ những cán bộ, công chức biến chất cũng là yêu cầu tất yếu để làm trong sạch bộ máy, bồi đắp lòng tin trong nhân dân.