Người thức khuya dễ chết sớm
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:30, 14/04/2018
Thức khuya không chỉ hại sức khỏe mà còn có thể dẫn đến cái chết, CNN giới thiệu kết quả nghiên cứu mới đăng tải trên tờ Chronobiology International. Để đưa ra kết luận này, nhóm tác giả từ Đại học Y Feinberg (Anh) đã theo dõi 500.000 tình nguyện viên Anh trong 6,5 năm và phát hiện nguy cơ ra đi sớm của người "sống về đêm" cao hơn người "sống về sáng" 10%. Bên cạnh đó, các "cú đêm" còn gặp phải hàng loạt vấn đề như tiểu đường, rối loạn thần kinh, rối loạn tâm lý, rối loạn tiêu hóa và rối loạn hô hấp.
Ảnh: LH. |
"Sự lệch lạc giữa đồng hồ sinh học và thế giới bên ngoài kéo đến nhiều nguy cơ sức khỏe", Phó Giáo sư thần kinh học Kristen Knutson đứng đầu nghiên cứu trên nhận định. Bà Knutson cũng cho rằng lối sinh hoạt "ngược đời" tạo điều kiện phát triển một số loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú, từ đó giảm tuổi thọ con người. Trước đây, nhiều công trình chỉ ra "cú đêm" hay mắc bệnh tim mạch và bị giảm chất trắng ở những vùng não liên quan đến trầm cảm.
Để bảo vệ sức khỏe, bà Knutson khuyến cáo những người thường xuyên thức khuya tập thay đổi bản thân bằng cách dần dần đi ngủ sớm. "Tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh dần dần", Phó Giáo sư nói. "Bạn không thể đột ngột ngủ sớm hơn ba tiếng".
Cùng với đó, "cú đêm" cần hạn chế tiếp xúc với ánh sáng từ các thiệt bị điện tử lúc tối muộn. "Chúng không chỉ gây khó ngủ mà còn làm rối loạn đồng hồ sinh học", bà Knutson giải thích.
Trường hợp khó dậy sớm, người sống về đêm nên tìm một công việc linh động, phù hợp với chế độ sinh hoạt của bản thân. Nhà tuyển dụng cũng nên hiểu rằng không phải mọi nhân viên đều làm việc hiệu quả vào ban ngày, từ đó xem xét điều chỉnh thời gian biểu. Như vậy, sức khỏe cùng hiệu suất của các "cú đêm" sẽ được cải thiện.
Cuối cùng, quan trọng nhất, người thức khuya phải tự nhận thức các nguy cơ sức khỏe để cảnh giác và duy trì lối sống lành mạnh. "Ăn uống khoa học, tập thể dục, ngủ đủ giấc là cực kỳ cần thiết, đặc biệt với những ai sống về đêm", bà Knutson kết luận.