Khó đạt kết quả khả quan

Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 14/04/2018

(HNM) - Là một trong những diễn đàn được chú ý nhất của khu vực những năm gần đây, song Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ (OAS) 2018, được tổ chức trong hai ngày 13 và 14-4 ở thủ đô Lima của Peru, lại đang bị bao trùm bởi bầu không khí u ám do những căng thẳng bùng phát tại châu lục thời gian qua.

Dư luận còn hoài nghi về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ (OAS).


Đầu tiên phải kể đến là sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay trước thềm hội nghị, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định hủy chuyến công du chính thức đầu tiên tới Châu Mỹ Latinh kết hợp với tham dự OAS để tập trung giải quyết tình hình tại Syria. Đây là điều chưa từng có tiền lệ, bởi Mỹ là quốc gia khởi xướng thành lập OAS và chưa bao giờ vắng nguyên thủ kể từ cuộc họp đầu tiên diễn ra năm 1994.

Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng tuyên bố vắng mặt khi cho rằng dự OAS 2018 chỉ lãng phí thời gian bởi chương trình nghị sự không bao gồm các vấn đề hữu ích cho cuộc sống của người dân và đưa ra những quyết định thật sự có lợi cho khu vực. Venezuela cũng đang tiến hành các thủ tục rút khỏi OAS vì cho rằng tổ chức này chịu ảnh hưởng mạnh của Mỹ, quốc gia chỉ trích gay gắt tiến trình bầu cử Tổng thống tại Venezuela. Trong khi đó, ngày 12-4, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno cũng hủy tham dự OAS và quay trở về nước để xử lý “tình huống nghiêm trọng bất ngờ" liên quan tới vụ việc một nhóm nhà báo bị bắt cóc ở khu vực biên giới với Colombia cách đây 2 tuần.

Trong bối cảnh khu vực phức tạp với nhiều vấn đề cần giải quyết, Washington từng hy vọng cuộc đàm phán nhằm nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada sẽ đạt được những bước tiến mới để có thể thông báo một thỏa thuận sơ bộ tại OAS 2018. Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 9-4, Tổng thống Mỹ D.Trump lạc quan cho rằng, Mỹ cùng với Canada và Mexico đang tiến tới khá gần mục tiêu giải quyết các bất đồng về tương lai NAFTA. Thế nhưng, trên thực tế, giữa 3 nước vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề chưa thể giải quyết và cuối cùng, NAFTA đã “lỡ hẹn” với OAS.

Trên thực tế, trước nguy cơ những bất đồng và căng thẳng tại khu vực có thể phá hỏng sự kiện, đã có những ý kiến đề xuất phương án thay đổi chủ đề hội nghị OAS 2018. Thay vì nhắc tới những vấn đề được cho là “nhạy cảm”, có thể gây bùng phát tranh cãi giữa các quốc gia, cuối cùng các nhà lãnh đạo đã chọn “Cải cách dân chủ để chống tham nhũng” là nội dung xuyên suốt hội nghị. Hài hước là chỉ vài tuần trước, nước chủ nhà Peru đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng chính trị do tham nhũng. Ngày 22-3, cựu Tổng thống Pedro Pablo bị cáo buộc có dính líu tới bê bối của tập đoàn xây dựng lớn nhất khu vực Mỹ Latinh là Odebrecht. Không chỉ riêng Peru, tham nhũng cũng đang trở thành “căn bệnh trầm kha” của nhiều quốc gia thuộc Châu Mỹ và dư luận không đặt nhiều kỳ vọng một hội nghị diễn ra chỉ 2 ngày như OAS có thể giải quyết vấn đề này.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào năm 1994, đã có nhiều nhận xét rằng cuộc gặp mặt cấp cao của các nước Châu Mỹ thiếu những chính sách thiết thực. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội gặp gỡ, trao đổi về nhiều vấn đề nóng của châu lục. Hội nghị này từng đạt được dấu ấn quan trọng khi đóng vai trò hòa giải mối quan hệ căng thẳng hàng thập kỷ giữa Mỹ và Cuba, cũng như cải thiện quan hệ Washington và Venezuela sau nhiều bất đồng vào năm 2015. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, đã 3 lần liên tiếp OAS kết thúc mà không thể đưa ra tuyên bố chung. Bởi vậy, những hoài nghi về kết quả cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Châu Mỹ lần này là hoàn toàn có cơ sở.

Quỳnh Dương