Kiên quyết xử lý vi phạm trong phòng chống cháy, nổ tại chung cư cao tầng

Xã hội - Ngày đăng : 06:52, 15/04/2018

(HNM) - Phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư cao tầng đang là vấn đề “nóng” tại các đô thị. Thời gian qua, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố cháy, nổ, bảo đảm an toàn cho người dân.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định.


Diễn biến phức tạp

- Thời gian qua, tình hình cháy, nổ và vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư cao tầng diễn biến rất phức tạp. Xin Thiếu tướng cho biết thông tin về vấn đề này trên địa bàn TP Hà Nội?

- Năm 2017 và quý I-2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 87 vụ cháy nhà cao tầng với 6 vụ cháy diện trung bình và 81 vụ cháy nhỏ. Trong đó chung cư xảy ra 43 vụ, tập thể cũ 38 vụ, văn phòng 4 vụ, ký túc xá 2 vụ. Nguyên nhân gây ra các vụ cháy nêu trên phần lớn là do trong quá trình sử dụng, các thiết bị điện bị quá tải, gây chập cháy. Ngoài ra, sự bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt khi thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã... cũng là nguyên nhân gây cháy. Từ đó có thể thấy, cư dân vẫn chưa thực sự chủ động bảo đảm an toàn phòng cháy tại các chung cư cao tầng.

Hiện nay, thành phố còn 29/79 chung cư chưa khắc phục xong những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Với 14 công trình có khả năng khắc phục, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã hướng dẫn và các chủ đầu tư đang tích cực tổ chức thực hiện xong trước ngày 30-4-2018. Với 15/29 công trình khó có khả năng khắc phục, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã có văn bản ngày 5-2-2018 báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng cho phép áp dụng các giải pháp bổ sung, thay thế. Đồng thời, đơn vị cũng hướng dẫn các chủ đầu tư công trình vi phạm lập hồ sơ, xây dựng luận chứng, trực tiếp trình Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm duyệt, thẩm định đối với từng trường hợp cụ thể. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, đến ngày 30-6-2018, 15 công trình này phải hoàn thành việc khắc phục và được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy cũng như chất lượng công trình xây dựng.

Hiện tại còn 4 công trình vi phạm thuộc doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (trong đó 3 công trình khó có khả năng khắc phục), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã hướng dẫn và chủ đầu tư đang khẩn trương thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy...

- Ngoài 29/79 chung cư nói trên, từ năm 2017 đến nay, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã tiến hành công tác kiểm tra an toàn đối với các chung cư còn lại ra sao, thưa Thiếu tướng?

- Đối với các chung cư cao tầng, năm 2017 và quý I-2018, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 3.886 lượt cơ sở; ban hành 434 công văn kiến nghị về phòng cháy, chữa cháy; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 226 lượt cơ sở với tổng số tiền là hơn 3,4 tỷ đồng, tạm đình chỉ 68 lượt, đình chỉ 52 lượt hạng mục nhà, công trình.

- Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư là do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Thiếu tướng có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này?


- Căn cứ Luật Nhà ở, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong đầu tư xây dựng là phải thực hiện việc thẩm duyệt, thẩm định về phòng cháy, chữa cháy và xây dựng; tổ chức thi công bảo đảm theo hồ sơ thiết kế đã thẩm định, thẩm duyệt; tổ chức nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng và đưa công trình vào sử dụng.

Đồng thời, trách nhiệm của chủ đầu tư khi đưa công trình vào sử dụng là có thể trực tiếp hoặc ủy thác cho đơn vị khác có chức năng, năng lực để quản lý vận hành nhà chung cư. Sau 12 tháng, chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, bầu ban quản trị nhà chung cư. 7 ngày sau khi ban quản trị được thành lập, chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì và bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có trách nhiệm bàn giao hệ thống kết cấu hạ tầng bên ngoài nhà chung cư cho cơ quan quản lý chuyên ngành của địa phương theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã tìm cách giảm mức đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy từ giai đoạn thiết kế công trình hoặc đầu tư lắp đặt các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm chất lượng. Thậm chí còn có hiện tượng chủ đầu tư cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng và các kiến nghị về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền, điển hình như Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, dẫn đến tình trạng công trình đưa vào hoạt động nhưng không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy...

Chủ động triển khai những biện pháp căn cơ

- Như Thiếu tướng đã nói, hầu hết các vi phạm đều liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã có những biện pháp gì để chấm dứt tình trạng vi phạm trên?


- Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, thống kê những công trình chung cư cao tầng bảo đảm, chưa bảo đảm và không bảo đảm về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Hiện Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đang tiến hành tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý vi phạm hành chính kể cả tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, báo cáo gửi đơn vị chủ quản, chính quyền địa phương giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Một trong những giải pháp quan trọng để chủ động bảo đảm an toàn cho các chung cư cao tầng là tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, tập trung tuyên truyền trách nhiệm cho tất cả các bên có liên quan như chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ hộ gia đình và cư dân đang sinh sống trong các tòa nhà để nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

- Không chỉ “gặp khó” với các chủ đầu tư, cư dân một số chung cư cũng chưa đồng thuận với những phương án khắc phục đã được thẩm định. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã giải quyết vấn đề này ra sao?


- Đây cũng là vấn đề khúc mắc trong công tác quản lý nhà nước của chúng tôi. Tại một số chung cư vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, việc tìm cách khắc phục đang gặp phải một số khó khăn do người dân phản đối vì lo ảnh hưởng đến mỹ quan ngôi nhà.

Về việc người dân một số chung cư chưa đồng thuận các phương án khắc phục vi phạm, trong Văn bản số 64/TB-VP ngày 5-4-2018 của Văn phòng UBND thành phố thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo giao UBND các quận, huyện phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cưỡng chế để chủ đầu tư khắc phục những tồn tại. Song song với đó, chúng tôi cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản trị tòa nhà tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp nhận phương án để cùng chủ đầu tư sớm hoàn thành khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.

- Ngày 15-4-2018, Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chính thức có hiệu lực. Tuy vậy, hiện mới có 179/718 chung cư cao tầng tại Hà Nội mua bảo hiểm cháy, nổ. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố có những phương án nào để thực hiện nghiêm quy định này?


- Chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn các đơn vị, cơ quan doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn để biết và thực hiện; sau đó sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và các doanh nghiệp bảo hiểm về cháy, nổ trên địa bàn thành phố về nghị định này. Đồng thời tuyên truyền cho các đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ theo quy định, trong đó trọng tâm là chủ đầu tư, ban quản trị, chủ hộ gia đình. Để nắm chắc công tác quản lý, chúng tôi sẽ tiến hành tổng kiểm tra đối với các cơ sở trong diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, qua đó hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở thực hiện.

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao ý thức của người dân về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vậy Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có những đổi mới như thế nào để nâng cao hiệu quả công tác này?

- Trước đây, phần lớn người dân còn thờ ơ, xem nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy; nghĩ rằng nơi mình ở, mình làm việc không thể xảy ra cháy. Chính vì thế, toàn lực lượng chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương xây dựng các phóng sự, khuyến cáo bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng và đến các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao... Ngoài việc tăng cường số lượng thì chất lượng các hoạt động tuyên truyền cũng được quan tâm đổi mới từ nội dung đến hình thức theo hướng đa dạng, phong phú như bằng hình ảnh, video, tranh cổ động, pano, áp phích…

Chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ gia đình tự trang bị phương tiện chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm cá nhân như: Bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, thang dây, dây thả chậm, thiết bị cảnh báo cháy sớm..

- Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn, Thiếu tướng có những khuyến cáo gì đến người dân khi sử dụng chung cư cao tầng?

- Trước hết, các hộ gia đình chỉ nhận bàn giao căn hộ khi công trình được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy nghiệm thu và đồng ý đưa công trình vào hoạt động. Trong quá trình sử dụng nhà chung cư, cư dân cần chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nội quy, quy định của tòa nhà.

Ngoài ra, trong sinh hoạt tại gia đình, cần quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt. Không tồn chứa các chất dễ cháy, chất nguy hiểm về cháy, nổ trong nhà và kịp thời phản ánh những hành vi vi phạm, sai phạm của cá nhân, hộ gia đình có thể dẫn đến cháy, nổ hoặc gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với tòa nhà...

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Tiến Thành