Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng
Giao thông - Ngày đăng : 07:00, 15/04/2018
Việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Ảnh: Anh Tuấn |
Muôn kiểu “thiếu hụt văn hóa”
Tối 11-4, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực ngã sáu Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), khi một chiếc xe ô tô bán tải đâm vào chiếc xe máy khiến cả người và phương tiện bị đâm lọt vào gầm ô tô. Dù gây ra tai nạn, nhưng lái xe bán tải không dừng lại, mà kéo lê cả người và phương tiện bị đâm, khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Lái xe ô tô bỏ chạy một đoạn khá dài, tới trước cửa số nhà 143 Ô Chợ Dừa thì người đi xe máy mới văng ra khỏi gầm ô tô, trong tình trạng đa chấn thương nghiêm trọng. Đến khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, lái xe ô tô dừng lại và bị người dân bắt giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Trước đó, tại đường hầm Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), người đi đường ghi lại được hình ảnh một phụ nữ đi xe máy buông tay lái “đánh võng” trên đường với tốc độ cao. Hành vi nguy hiểm khiến nhiều người bất bình khi phải dạt vào lề đường hoặc đi chậm lại để tránh va chạm. Hay tại khu vực cầu Cót (quận Cầu Giấy) vào giờ cao điểm, một người phụ nữ điều khiển ô tô đã lớn tiếng chửi bới, thách thức người đi đường do quay đầu xe bất thành. Lối hành xử ngang ngược, thiếu văn hóa này không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn khiến nhiều người tham gia giao thông bức xúc...
“Thiếu hụt” văn hóa giao thông là nguyên nhân dẫn đến lối ứng xử tùy tiện, thái độ coi thường pháp luật. Những cảnh chướng tai gai mắt thể hiện sự thiếu hụt văn hóa giao thông ở nhiều người, không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, nỗ lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mà còn dẫn đến những hiểm họa khó lường khác. Số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có hơn 20 nghìn vụ tai nạn giao thông (riêng trên địa bàn Hà Nội có 1.445 vụ), làm 583 người chết, 1.126 người bị thương. Đáng chú ý, hơn 80% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan tới ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.
Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, CATP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Nhiều cơ sở đào tạo chỉ tập trung vào kỹ năng lái xe mà quên bồi dưỡng văn hóa và ý thức trách nhiệm khi ngồi sau vô lăng cho người lái. Yếu tố này rất quan trọng, giúp lái xe hình thành chuẩn mực văn hóa, ứng xử có phép tắc, biết tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông. Người không đủ bình tĩnh, ý thức tham gia giao thông kém giống như “ngòi nổ”, có thể gây tai họa cho bản thân và người xung quanh bất cứ lúc nào”.
Thượng tôn pháp luật
Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) đưa học sinh qua đường sau buổi học giúp các em tạo thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, “văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi ứng xử đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông”. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của con người. Những điều này đã được TP Hà Nội cụ thể hóa trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng với 7 điều nên và 4 điều không nên làm khi tham gia giao thông, và tích cực tuyên truyền trên phạm vi toàn thành phố. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, như thời gian triển khai chưa lâu; hình thức tuyên truyền, vận động chưa sinh động, phong phú; chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe… nên hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng nói chung, quy định về ứng xử khi tham gia giao thông nói riêng chưa được như mong muốn.
Trước thực tế này, TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu từng bước xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Một trong những nội dung được chú trọng trong kế hoạch này là: Thực hiện lồng ghép tuyên truyền ứng xử khi tham gia giao thông trên hệ thống loa truyền thanh tại các điểm nút giao thông, bảng biển nhà ga, bến xe...; đưa nội dung quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông vào chương trình học ngoại khóa ở các cấp học; tổ chức hội thi tìm hiểu quy tắc ứng xử nói chung, quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông nói riêng từ cấp thành phố tới cơ sở; bổ sung tiêu chí thực hiện quy tắc vào nội dung bình xét các danh hiệu văn hóa…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng: Việc xây dựng chuẩn mực văn hóa tham gia giao thông cần được duy trì thường xuyên, liên tục với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”. Cùng với việc đưa nội dung này vào chương trình giáo dục ngoại khóa, tăng cường các hoạt động tọa đàm, trao đổi, hội thi..., các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, dài hạn nhằm vận động người dân nêu gương ứng xử, chung tay giáo dục giới trẻ hình thành thói quen ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.