Mạnh dạn cơ chế, quyết liệt quản lý

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 16/04/2018

(HNM) - Hà Nội đang thiếu điểm đỗ xe nghiêm trọng, bởi các điểm trông giữ xe hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Thực tế này khiến cho tình hình các bãi trông giữ xe chiếm vỉa hè, lòng lề đường luôn là vấn đề “nóng”, diễn ra rất phức tạp.


Thực tế đặt ra vấn đề: Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ trong quản lý, hay những chính sách về lâu dài theo cơ chế thị trường hiện tại thì tình trạng “khát” bãi để xe và "loạn giá" chắc chắn khó có thể chấm dứt.

Trước hết, về công tác quản lý. Hơn 1 năm vừa qua, thành phố triển khai quyết liệt Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về “Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện”. Nhưng đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trong đó bao gồm cả việc lập bãi trông giữ xe vẫn diễn ra, nhất là tại địa bàn các quận trung tâm và những nơi tổ chức sự kiện văn hóa, chính trị, khu di tích, lễ hội, đình, chùa… Việc xử lý giống như "đá ném ao bèo", khi ra quân cao điểm thì gọn gàng, ngăn nắp, nhưng khi lực lượng rút đi thì người dân lại vi phạm.

Rõ ràng, khi nhu cầu của người dân rất lớn, trong khi các điểm đỗ, bãi trông giữ xe chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ; lực lượng quản lý còn mỏng, chưa quyết liệt; việc xử phạt vi phạm còn nhẹ, dẫn đến tái phạm, “nhờn luật” là điều dễ hiểu. Do đó, để tăng hiệu quả xử lý, việc cần làm sớm là tăng chế tài xử phạt (gồm cả vi phạm về quản lý, trật tự đô thị và vi phạm về giá dịch vụ) và tăng năng lực quản lý.

Một trong những biện pháp hạn chế được tình trạng “đá ném ao bèo”, bù lấp cho lực lượng quản lý còn mỏng là có thể xem xét sử dụng hình ảnh camera để “phạt nguội” vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Từ việc ghi hình có thể mời người vi phạm đến tuyên truyền, nhắc nhở hoặc xử phạt. Cách làm này sẽ hạn chế tình trạng “nể nang”, tăng tính răn đe, nâng cao ý thức tự giác của người dân, vừa nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm. Bên cạnh đó là tăng cường kỷ cương, trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Nơi nào để tồn tại các điểm trông giữ xe sai phép, trái phép, thu tiền sai quy định thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm kỷ luật.

Về lâu dài, để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, ngoài việc quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng các điểm đỗ xe công cộng thì cần sớm xem xét về cơ chế chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân chung sức. Hiện nay, quy định giá trông giữ phương tiện của Hà Nội được cho là bám sát mức giá thị trường, nhưng vẫn chưa thực sự theo quy luật thị trường. Nó chỉ phù hợp tại các điểm giữ xe do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách, hoặc tại các điểm sử dụng đất công, sử dụng lòng đường vỉa hè.

Nhưng đối với các bãi giữ xe trong các nhà chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn... lại chưa có sự khuyến khích. Thực tế, bãi đỗ xe tại các công trình này thường làm dưới tầng hầm, chi phí xây dựng, vận hành tốn kém hơn rất nhiều so với làm trên mặt đất, trong khi Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi phù hợp, thủ tục còn phức tạp. Điều này lý giải tại sao nhu cầu gửi phương tiện rất cao mà vẫn có rất ít nhà đầu tư “mặn mà”, ngược với quy luật cung - cầu.

Chỉ khi chúng ta quyết liệt trong quản lý, mạnh dạn trong cơ chế thì tình trạng vi phạm mới hy vọng có thể chấm dứt… 

Nữ Quỳnh