Phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 16/04/2018
Xây dựng được 65 chuỗi nông sản an toàn
Theo Sở NN&PTNT, đến nay, Hà Nội đã có 65 chuỗi nông sản an toàn được xây dựng, trong đó 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 38 chuỗi nguồn gốc thực vật; thí điểm cấp 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt tại 21 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đánh giá về hiệu quả của các chuỗi nông sản an toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết: Hiện các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia. Một số chuỗi chăn nuôi phát huy hiệu quả như chuỗi thịt lợn sinh học ở Quốc Oai, chuỗi gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây…
Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng thực phẩm trên thị trường. |
Đối với chuỗi có nguồn gốc thực vật, rau, quả, nhãn chín muộn, quá trình sản xuất, thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra, bảo đảm phát hiện khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay các nhóm sản xuất thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Tuy nhiên, công tác xây dựng và phát triển nông sản an toàn còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn manh mún, nhỏ lẻ.
Trong khi đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất thấp; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn ít, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm bất cập.
Về những rào cản trong xây dựng và phát triển chuỗi nông sản an toàn, Chi cục trưởng Chi cục quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng: Hiện nay, một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định. Không những vậy, khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ khiến việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất với doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt cá an toàn còn ít nên khó mở rộng và duy trì mô hình sản xuất chuỗi.
Theo ông Trần Mạnh Chiến - Chuỗi cửa hàng thực phẩm Bác Tôm: Để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh rau quả an toàn cần lượng vốn lớn và thời gian dài, trong khi đó, các doanh nghiệp làm nông nghiệp đều nhỏ, khiến việc mở rộng sản xuất gặp khó khăn.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Để mô hình chuỗi tiếp tục phát huy hiệu quả, theo bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn): Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải loại bỏ bớt các khâu trung gian, rút ngắn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào đồng ruộng; đồng thời, hỗ trợ người dân xây dựng và phát triển các chuỗi có chứng nhận VietGAP theo hướng an toàn; liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Sở sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận; tăng cường phát triển chuỗi, xác nhận chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, giới thiệu quảng bá đến người tiêu dùng. Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tham quan nơi sản xuất chế biến, hướng dẫn để người tiêu dùng dần thay đổi thói quen, sử dụng những mặt hàng an toàn có nguồn gốc xuất xứ thay vì dùng hàng trôi nổi trên thị trường.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, phát triển việc hỗ trợ ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn thực phẩm tập trung tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, trang trại, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở chế biến, chế biến quy mô lớn, các chuỗi sản xuất, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị, chợ đầu mối.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng; tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30 đến 50%.
Các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản, đặc biệt ưu tiên sản phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, ngoài danh mục trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản phẩm sơ chế, chế biến.