Phải giảm chi phí và tăng cường liên kết
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:44, 17/04/2018
Là "chất keo" kết dính, xâu chuỗi các ngành sản xuất, vận chuyển, phân phối, thương mại, kho bãi…, logistics đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại giá trị gia tăng lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu. Dịch vụ logistics là một trong 12 nhóm ngành được Cộng đồng Kinh tế ASEAN hỗ trợ phát triển. Thế nhưng, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% tổng sản phẩm quốc nội, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%, gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển.
Hầu hết doanh nghiệp tham gia chuỗi logistics đều phản ánh, hàng loạt công đoạn dịch vụ, chi phí liên quan đến hồ sơ, thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa, tiền bồi dưỡng nhân công cẩu, xếp dỡ hàng hóa tại cảng, bến... đều được tính vào giá thành hàng hóa. Chưa kể, trên một hành trình vận chuyển có quá nhiều lực lượng kiểm tra phương tiện, gây phát sinh “lộ phí”…
Bất cập lớn nữa của chuỗi logistics tại Việt Nam là kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt với hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển còn chắp vá… Tính kết nối kém còn thể hiện qua sự rời rạc giữa nhà sản xuất/đơn vị nhập khẩu với doanh nghiệp vận tải, kho vận, cảng biển và các cơ quan hải quan, kiểm dịch. Thực trạng thị trường vận tải ở Việt Nam chưa minh bạch, thiếu thông tin, giá cước vận tải cao, hiệu quả khai thác thấp, hệ số chạy rỗng cao... cho thấy, để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, ngành logistics Việt Nam cần sớm tìm "sợi dây" liên kết và phải có giải pháp đột phá so với điều kiện thực tế.
Để làm được điều đó, việc cắt giảm chi phí và tăng cường liên kết là hai giải pháp quan trọng cần sớm được thực hiện. Trong đó, cắt giảm phí vận tải là việc phải làm trước tiên, vì đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tổng chi phí dịch vụ logistics và dễ phát sinh tiêu cực. Theo đó, Nhà nước cần cắt giảm chi phí chính thức và minh bạch hóa phí BOT, xóa bỏ các chi phí ngầm trong vận tải đường bộ. Cùng với đó, cần thống nhất, minh bạch các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ
logistics để tạo thuận lợi cho hoạt động logistics và thương mại, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Các cơ quan hữu trách cũng phải tăng cường siết chặt công tác quản lý để loại bỏ các khoản “tiêu cực phí”, tránh việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ công quyền với doanh nghiệp. Về phía mình, các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng và giảm giá, phí các dịch vụ.
Nhấn mạnh gánh nặng chi phí là "rào cản" lớn với doanh nghiệp, trong đó chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công Thương thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực...
Những trao đổi thẳng thắn của doanh nghiệp, cùng với chỉ đạo trực tiếp, cụ thể của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu phải giải quyết khẩn trương để dịch vụ logistics Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới; qua đó kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập quốc tế, tạo đà cho phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.