“3 nhà” bàn cách nâng cao hiệu quả truyền thông về bảo hiểm xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 16:31, 17/04/2018

(HNMO) - Ngày 17-4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả”.

Hội thảo Truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Ảnh: Công Hiếu


Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra một hội thảo khoa học về truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) có sự tham gia của ba giới chuyên môn, bao gồm: Nhà quản lý và điều hành thực thi chính sách BHXH, BHYT; nhà nghiên cứu và đào tạo báo chí - truyền thông; các nhà báo.

Hội thảo đã thu hút hơn 30 tham luận, tập trung vào đánh giá các phương thức và hiệu quả truyền thông về chính sách BHXH, BHYT hiện nay, đề xuất các giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu xã hội, đặc biệt trong bối cảnh của xã hội Việt Nam và kỷ nguyên truyền thông 4.0. Nhiều ý kiến đề cập tới những phương thức truyền thông mới trên mạng xã hội và các mô hình truyền thông có sự tham gia của người dân trong việc thúc đẩy thực thi chính sách BHXH, BHYT…

Trong tham luận, Ths Dương Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của BHYT với đối tượng học sinh, sinh viên và cho biết đã có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, tai nạn… đã được Quỹ BHYT thanh toán tới 1 tỷ đồng mỗi năm. Theo Ths Dương Ngọc Ánh, cần xây dựng các thông điệp truyền thông về BHXH để tuyên truyền đến đối tượng sinh viên là những người chuẩn bị gia nhập thị trường lao động, giúp các em có kiến thức về BHXH.

TS Đoàn Văn Báu, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo: Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT phải gắn chặt với mục tiêu phát triển đối tượng, coi đó như một chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội. Do các yếu tố đặc thù, việc tuyên truyền về BHXH, BHYT đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên phải thực sự am hiểu sâu sắc về chính sách, pháp luật thì mới đạt hiệu quả.

Ths Lê Thu Hà, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng website trường học là một kênh thông tin hiệu quả về chính sách BHXH, BHYT; và đề xuất xây dựng một chuyên mục về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên giao diện website nhà trường, thiết kế banner, logo của BHXH Việt Nam, tạo đường dẫn tới trang thông tin nguồn.

Hội thảo đã tạo ra một không gian đối thoại giữa ba nhóm để tăng cường hiểu biết và nâng cao năng lực lẫn nhau nhằm đạt được các mục tiêu truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới, trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia BHTN và 90% dân số tham gia BHYT.

Khánh Vũ