Đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức pháp luật

Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 17/04/2018

(HNM) - Nhiều đại biểu HĐND các cấp TP Hà Nội cho rằng, giám sát các cơ quan tư pháp là một nhiệm vụ khó. Muốn giám sát hiệu quả, đòi hỏi chủ thể giám sát phải có kỹ năng, kinh nghiệm và nắm chắc kiến thức pháp luật.

Hội nghị chuyên đề về kinh nghiệm, kỹ năng, giám sát cơ quan tư pháp của Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội. Ảnh: Vũ Thủy


Vẫn còn hình thức

Thời gian qua, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, trên địa bàn TP Hà Nội cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo... Giải quyết các vấn đề này thuộc chức năng của các cơ quan tư pháp, UBND các cấp và HĐND các cấp, mà trước hết là trách nhiệm của các ban pháp chế. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không dễ.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, thực tiễn thẩm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp là nội dung khó, đòi hỏi thành viên ban pháp chế HĐND có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu về lĩnh vực tư pháp, nhất là các khâu trong tố tụng hình sự, dân sự. Nhưng do nhiều đại biểu tham gia HĐND lần đầu; các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp sửa đổi, bổ sung thường xuyên, trong khi đại biểu không cập nhật thông tin, thiếu kỹ năng, phương pháp, cách thức thẩm tra… dẫn đến chất lượng giám sát, thẩm tra chưa cao.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Hoài Đức Nguyễn Thanh Tú, thông tin của ban pháp chế dựa vào cơ quan chịu sự giám sát cung cấp. Cũng do trình độ chuyên sâu hạn chế, nên thành viên ban pháp chế thường có rất ít ý kiến phản biện trong quá trình giám sát nên khó tránh khỏi việc giám sát hình thức. Ở một góc nhìn khác, Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Hoài Đức Nguyễn Thanh Tú cho rằng: “Các cơ quan chịu sự giám sát nhận thức chưa khách quan, coi giám sát là tìm khuyết điểm, dẫn đến phát sinh tâm lý không cởi mở, báo cáo một số lĩnh vực còn hình thức, làm cho việc xem xét, đánh giá thiếu cơ sở khách quan”.

Một số thành viên Ban Pháp chế HĐND quận Đống Đa và các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Thạch Thất cũng cho rằng, do các ban pháp chế cấp huyện chưa xây dựng rõ cơ chế, hình thức, phương pháp giám sát; thêm việc chuyên môn chưa sâu, nên trong quá trình giám sát chưa nắm hết những tồn tại, hạn chế của các cơ quan tư pháp, nhất là việc xác định giữa yếu tố tiêu cực hay năng lực cán bộ tác động đến chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử. Đặc biệt, hiện nay, việc chất vấn đối với lãnh đạo các cơ quan tư pháp còn ít, chưa thường xuyên, chủ yếu mới mang tính sự vụ dư luận quan tâm; số lượng các cuộc giám sát chuyên đề cũng chưa nhiều. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa quyết liệt. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giám sát các cơ quan tư pháp.

Tăng kỹ năng phản biện

Theo nhiều thành viên ban pháp chế HĐND các quận, huyện, thị xã, để giám sát các cơ quan tư pháp hiệu quả, mỗi đoàn giám sát cần kết hợp chặt chẽ giữa hình thức nghe báo cáo và xem xét, kiểm tra thực tế. Tuy không phải là cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng để có kết luận giám sát đúng, sát thực thì trong quá trình giám sát, ngoài việc nghe báo cáo, đoàn giám sát cần phải hỏi để biết thông tin, hoặc đưa ra ý kiến phản biện, yêu cầu giải trình những vấn đề đoàn quan tâm. Ngoài ra, đoàn giám sát cũng nên xem xét các văn bản cần thiết và hồ sơ các vụ việc nóng mà dư luận, báo chí hoặc công dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo..; đồng thời, thu thập thêm thông tin từ các buổi khảo sát thực tế, làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Xuân Ứng chia sẻ, muốn giám sát chuyên sâu, phải lựa chọn được nhân sự thành viên ban pháp chế là đại biểu có kiến thức về pháp luật, đã hoặc đang công tác trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp như phòng tư pháp quận, huyện; hội luật gia; thanh tra… Ngoài thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng, mỗi thành viên ban pháp chế cần nâng cao trách nhiệm, tránh biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát. “Thành viên đoàn giám sát phải có quan điểm rõ ràng nếu cơ quan chịu sự giám sát báo cáo chưa đúng, hoặc chưa đủ” - Ông Nguyễn Xuân Ứng nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Hà Đông Lương Huệ Minh kiến nghị, HĐND thành phố cần tăng cường các hội nghị chuyên đề trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho các đại biểu chuyên trách HĐND cấp huyện. Cùng với đó, HĐND thành phố cũng có hướng dẫn cụ thể về những tiêu chí, bố cục, nội dung chung cần có của một báo cáo thẩm tra, giám sát lĩnh vực tư pháp tại kỳ họp. Qua đó, để mỗi ban, mỗi đại biểu HĐND áp dụng trên cơ sở thực tiễn giám sát, thẩm tra tại địa phương mình.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam khẳng định, hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động giám sát của ban pháp chế các quận, huyện, thị xã đối với các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp hiện tại tương đối đầy đủ. Vấn đề cốt yếu thời gian tới là lãnh đạo, thành viên các ban pháp chế dành thời gian nghiên cứu kỹ tài liệu, cập nhật kịp thời những vấn đề mới trong các quy định pháp luật, nắm chắc thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình giám sát. Bên cạnh đó, các ban pháp chế cấp huyện cũng cần bám sát chặt chẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban cải cách tư pháp cùng cấp; chú trọng nắm bắt thông tin từ cơ quan cấp trên, qua đơn thư của người dân… để chọn lọc thông tin giám sát. Có như vậy, công tác giám sát mới đạt chất lượng, phản ánh thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Việt Tuấn