Bùng phát nạn dịch loét "ăn thịt người" lây lan ở Australia

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:08, 18/04/2018

Các nhà khoa học Australia buộc phải lên tiếng quan ngại về sự bùng phát của đại dịch loét Buruli - căn bệnh “ăn thịt người” thường xuất hiện ở các nước phương Tây và Trung Phi.

Một bệnh nhi mắc bệnh loét Buruli. Ảnh: AFP


Một vài năm trở lại đây, tại một số vùng ở Australia, đặc biệt là bang Victoria, giới y tế địa phương đã chứng kiến sự tăng đột biến các ca nhiễm bệnh. Trong năm 2016, các bác sĩ đã phát hiện ra 182 ca mắc bệnh mới, tăng 72% so với năm trước.

Trong một nghiên cứu xuất bản ngày 16-4 trên Tạp chí Y khoa Australia, các tác giả cảnh báo sự phát triển của bệnh loét Buruli đã trở thành “đại dịch”, yêu cầu cần có các biện pháp ngăn ngừa khoa học khẩn cấp.

Nguồn bệnh và cách thức lây lan giữa người với người hiện vẫn chưa được xác định. Phần lớn các ca mắc bệnh tại Châu Phi, bệnh nhân thường sống gần đầm lầy hoặc trong môi trường gần nước. Tuy nhiên, tại Australia, các bệnh nhân thường bị nhiễm bệnh bằng đường lây truyền qua muỗi hoặc thú túi - một loại động vật sống trên cây thường có ở Australia và New Zealand.

Các bác sĩ cũng không biết lí do tại sao các ca bệnh lại ngày một trầm trọng hơn. Theo nhà nghiên cứu Andres Garchitorena - một chuyên gia về bệnh Buruli, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp, rất có thể khuẩn gây ra bệnh loét này có tính đề kháng với các thuốc kháng sinh được dùng. Giáo sư Daniel O'Brien - chuyên gia về loại bệnh truyền nhiễm này giải thích: "Thật khó để kiểm soát căn bệnh khi không biết làm cách nào mà nó có thể lây nhiễm”.


Muỗi và thú có túi được cho là cá thể truyền bệnh. Ảnh: Telegraph/Auscape


Nguyên do gây bệnh loét Buruli là từ vi khuẩn có tên gọi Mycobacterium. Bệnh để lại trên cơ thể nạn nhân những vết thương mưng mủ và vết loét sưng. Chuyên gia Garchitorena giải thích: “Khuẩn Mycobacterium một khi vào cơ thể người, sẽ tự động nhân số lượng cá thể lên nhiều lần dưới da, sản sinh ra chất độc và gây lở loét. Thường khuẩn này sẽ tấn công các mô mỡ. Bệnh thường bắt đầu với một vết sưng nhỏ, nhưng qua một thời gian, nó sẽ vỡ ra và trở thành vết loét”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dấu hiệu ban đầu của bệnh là khối u nhỏ hoặc vết sưng không đau. Tuy nhiên, chỉ trong 4 tuần, các vết loét lớn hơn sẽ xuất hiện và lây lan chóng mặt. Trong một số trường hợp nặng, bệnh có thể ảnh hưởng vào xương.

Mặc dù có ghi nhận một vài trường hợp nhiễm bệnh tử vong song các chuyên gia đều khẳng định phần lớn các ca mắc khuẩn đều không đe dọa tính mạng con người.

Căn bệnh này có thể chữa trị, và tỉ lệ chữa khỏi lên tới “gần 100%” với các thuốc kháng sinh như rifampicin và clarithromycin.

Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh loét Buruli có thể khiến bệnh nhân phải cắt bỏ bộ phận.

Tại Australia, bệnh này thường xuất hiện với những người trên 50 tuổi. Phần lớn các ca mắc bệnh xảy ra vào các tháng mùa đông, mặc dù mùa hè không phải là không có. Giáo sư y khoa Sanjaya Senanayake, làm việc tại Đại học Quốc gia Australia cho biết, cách thức lây bệnh vẫn chưa rõ ràng, song các nguy cơ bao gồm lây nhiễm qua nước, thú có túi và vết cắn côn trùng.

Trong nghiên cứu, các tác giả giải thích: “Các vết loét thường xuất hiện tại những vùng cơ thể để hở, tức là vết cắn côn trùng hay tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm đều là nguyên nhân khiến cơ thể bị nhiễm khuẩn. Các bằng chứng gần đây cũng cho thấy không có sự lây nhiễm giữa người với người, mặc dù có xảy ra tình trạng nhiều người trong một gia đình bị mắc cùng nhau”. 

Theo Tin tức