Lợi ích kép từ tăng cường đối thoại

Đời sống - Ngày đăng : 07:37, 18/04/2018

(HNM) - Tăng cường đối thoại để nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người lao động là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn đình công, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển...


Phó Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Gia Lâm (thuộc Liên đoàn Lao động quận Long Biên) Trịnh Quốc Oanh cho biết, bên cạnh “kênh” tập hợp ý kiến của công nhân, lao động từ các bộ phận, phòng, ban, hằng tháng lãnh đạo doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn, Ban An toàn lao động tổ chức đi công trường, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người lao động. Tại đây, những khiếu nại, thắc mắc thuộc thẩm quyền được doanh nghiệp giải quyết kịp thời, công khai, nhất là về lương, thưởng, phúc lợi; các chế độ, chính sách được giải thích, hướng dẫn thấu đáo. Nhờ vậy, quan hệ lao động trong doanh nghiệp hài hòa, người lao động yên tâm, tích cực lao động, không có hiện tượng đơn thư khiếu nại hay đình công. Đây là yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt, bảo đảm thu nhập ổn định (bình quân gần 8 triệu đồng/tháng/người).

Nhằm tăng cường đối thoại, hằng năm, Liên đoàn Lao động quận Long Biên phối hợp với chính quyền, cơ quan Bảo hiểm xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận tổ chức đối thoại với các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nguyễn Trường Giang, bên cạnh việc giúp người lao động nắm chắc các chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mình, việc đối thoại còn giúp xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với tổ chức Công đoàn, chính quyền. Đây chính là “chìa khóa” giúp quận thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phúc lợi cho người lao động ngày một tốt hơn.

Thực tế, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường đối thoại. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với đại diện công nhân, lao động và doanh nghiệp ngày càng đi vào nền nếp. Qua đó, gần 200 kiến nghị được giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Đơn cử, thành phố đang triển khai kế hoạch lắp đặt wifi miễn phí cho công nhân, lao động ở các khu nhà ở xã hội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018; các cơ quan: Công an, Bảo hiểm xã hội và Y tế tổ chức giải quyết lưu động các thủ tục hành chính, bảo hiểm, khám chữa bệnh cho người lao động tại khu công nghiệp ngoài giờ hành chính…

Cùng với cấp thành phố, năm 2017, 100% công đoàn cấp trên cơ sở và hơn 32% công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp tổ chức đối thoại giữa công đoàn - người sử dụng lao động - công nhân, lao động để nắm bắt diễn biến tư tưởng và giải quyết kịp thời những kiến nghị liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Nhiều doanh nghiệp thực hiện thường xuyên và thực chất việc đối thoại với những hình thức phong phú, đa dạng, như: Hội nghị người lao động, giám đốc doanh nghiệp gặp gỡ công nhân tại xưởng sản xuất để trao đổi thông tin, giải quyết yêu cầu của tập thể người lao động, hộp thư… Tại đây, những vấn đề người lao động quan tâm được đề cập đầy đủ, công khai biện pháp giải quyết.

Tuy vậy, bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đối thoại tại nơi làm việc, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa làm hoặc có tổ chức đối thoại nhưng hời hợt, không thực chất, nội dung và chất lượng chưa bảo đảm. Ban chấp hành công đoàn ở một số doanh nghiệp vẫn chưa phát huy được vai trò trong phối hợp tổ chức đối thoại. Với quyết tâm khắc phục hạn chế, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong thời gian tới, Công đoàn thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo để công tác đối thoại ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững, góp sức xây dựng Thủ đô.

Linh Chi