"Thầy Đôm" của bóng rổ nữ Hà Nội
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:32, 18/04/2018
Chuyên gia Dominique Grand cùng đội bóng rổ nữ Hà Nội. |
“Đến Việt Nam đi và hãy trải nghiệm!”
Ở đội bóng rổ nữ Hà Nội, Dominique Grand thường được gọi với cái tên rất gần gũi là Đôm. Sự nghiệp cầu thủ của anh gắn với các giải bán chuyên nghiệp và giải đấu của các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ. Dominique Grand từng có tên trong danh sách 100 cầu thủ bóng rổ hàng đầu của các trường cao đẳng thuộc bang Califonia khi khoác áo Cao đẳng Los Medanos College, giành ngôi vô địch Giải Bán chuyên TP San Francisco… Năm 2016, khi 27 tuổi, Dominique Grand nghỉ thi đấu, chuyển sang huấn luyện. Trung tâm Jamtown (Mỹ), nơi huấn luyện cầu thủ mọi lứa tuổi cũng như huấn luyện chuyên sâu về ném bóng và xử lý bóng, là nơi làm việc đầu tiên của Dominique Grand trong tư cách huấn luyện viên (HLV).
Chị Nguyễn Thùy Linh - Tổng Giám đốc Học viện Giáo dục - Thể thao Hoa Kỳ (ASA), người đã mời Dominique Grand đến làm việc tại Việt Nam kể rằng mình biết Đôm thông qua lời giới thiệu của một HLV người Mỹ khác. Không dễ mời Dominique Grand sang nước ta làm việc vì trên bản đồ bóng rổ thế giới và khu vực, cái tên Việt Nam rất hạn chế. Cuối cùng, chị Thùy Linh phải tìm cách khiến cho vị HLV trẻ tuổi nổi máu phiêu lưu, khám phá. “Đến Việt Nam đi và hãy trải nghiệm!”, đó là thông điệp mà nữ Tổng Giám đốc ASA gửi đến Đôm, khiến anh quyết định tạm biệt nước Mỹ để tới Việt Nam vào tháng 10-2017. Tại Việt Nam, anh có hai lựa chọn là thi đấu hoặc huấn luyện. Dominique Grand đã chọn làm HLV. “Cùng Đôm, Học viện của chúng tôi còn mời một số cầu thủ nước ngoài khác tới Việt Nam. Họ đã chọn con đường thi đấu trong khi Dominique Grand lại thực sự muốn theo nghề huấn luyện” - chị Thùy Linh kể.
ASA quyết định giới thiệu Dominique Grand với đội bóng rổ nữ Hà Nội, sau khi khả năng huấn luyện của vị chuyên gia người Mỹ này được thử thách trong một thời gian ngắn anh huấn luyện miễn phí cho một số cầu thủ thi đấu tại Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA). Những cái tên nổi tiếng trong làng bóng rổ Thủ đô như Đặng Thái Hưng (Hưng “Bún”), Trương Hoàng Trung (Trung “Kon”)… đều "lên tay" đáng kể sau khoảng thời gian tập luyện cùng “thầy Đôm”.
Giấc mơ Hollywood
Khi đặt vấn đề huấn luyện cho đội bóng rổ nữ Hà Nội với Dominique Grand, chị Nguyễn Thùy Linh chỉ nói rằng: “Nơi ấy phù hợp với một người nhiều khát khao, thích khám phá bản thân như cậu. Thực sự, điều kiện tập luyện ở đó còn chưa đầy đủ nhưng cầu thủ giàu khát vọng. Nếu đưa được một đội bóng từ không đến có, thậm chí là lên ngôi vô địch Việt Nam thì đó là điều không thể tuyệt vời hơn”. Cách đặt vấn đề của chị Thùy Linh như câu chuyện thường thấy trong các bộ phim của kinh đô điện ảnh Hollywood, nơi nhân vật chính thường vượt khó theo cách phi thường để rồi hoàn thành mục tiêu đầy ngoạn mục. Điều đó đã thúc đẩy Dominique Grand đến với bóng rổ nữ Hà Nội để huấn luyện miễn phí, thử sức huấn luyện một đội bóng chính quy.
Bản thân Dominique Grand cũng thích thú với giấc mơ Hollywood ấy khi thường đề cập đến mục tiêu giành ngôi vô địch quốc gia với đội bóng rổ nữ Hà Nội. Trong câu chuyện của mình, anh luôn nhắc đến “first place” (vị trí thứ nhất). Mà đúng là điều kiện của đội còn nhiều khó khăn khi phải chia giờ tập với đội bóng chuyền. Rồi đồng hồ báo hiệu thời gian được cầm bóng của mỗi đội (thường gọi là đồng hồ 24 giây) cũng chưa có, khiến HLV thường phải sử dụng đồng hồ bấm tay. Dominique Grand không kêu ca, vì hiểu được khó khăn của đội. Ngày hai buổi, vị chuyên gia này đi xe máy từ Quốc Tử Giám đến Mỹ Đình và theo chiều ngược lại với niềm tin đưa đội bóng lên đỉnh vinh quang. Thời gian còn lại, anh tham gia huấn luyện tại các lớp bóng rổ của ASA.
Khi nhắc đến đội bóng, chuyên gia người Mỹ thường chỉ nói về những cô gái, những bà mẹ - vận động viên yêu nghề. “Tôi nhận thấy sự đam mê, khát khao chinh phục đỉnh cao và cả ý chí mãnh liệt ở họ. Ở đội có cả những người đã làm mẹ nhưng vẫn theo đuổi sự nghiệp cầu thủ. Đó là điều thôi thúc tôi làm việc và mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho đội. Đúng là họ còn phải hoàn thiện nhiều về kỹ năng nhưng theo thời gian, họ sẽ tiến bộ”.
Thực tế, chỉ sau hơn hai tháng tập luyện dưới sự dẫn dắt của “thầy Đôm”, khả năng phòng ngự và tấn công của đội bóng rổ nữ Hà Nội đã nâng lên đáng kể. Ông Đào Văn Kiên, Phó Chủ nhiệm phụ trách bộ môn bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội) kể lại: “Khi Dominique Grand được giới thiệu cho đội bóng rổ nữ Hà Nội dưới hình thức huấn luyện miễn phí, chúng tôi chỉ nghĩ cứ thử xem sao. Dù sao, cậu ấy đến từ một nền bóng rổ mạnh nhất thế giới nên có thể mang đến nhiều điều mới mẻ. Quả thực, sau hơn hai tháng, đội bóng đã có những tiến bộ đáng ghi nhận”.
Nguyễn Thị Ngọc Hà, đội trưởng kiêm HLV của đội cũng ghi nhận: “Chuyên gia Đôm đã mang đến kiến thức hiện đại, mới mẻ trong tập luyện và thi đấu. Đặc biệt, những kỹ năng phòng ngự của đội đã được nâng lên đáng kể. Giờ thì chúng tôi có thể tự tin thi đấu với những đội mạnh nhất”. Ở đội bóng rổ nữ Hà Nội, Nguyễn Thị Ngọc Hà lớn tuổi nhất (sinh năm 1984), từng khoác áo đội tuyển quốc gia. Đến khi đội nữ Hà Nội được gây dựng trở lại vào năm 2016, đam mê bóng rổ đã kéo cô gái người Yên Bái xuống Hà Nội để vừa làm cầu thủ vừa làm HLV. Bây giờ, sự xuất hiện của chuyên gia Dominique Grand đã giúp Ngọc Hà thu nhận được nhiều kiến thức huấn luyện và cô nói rằng đó là cái được khó có thể đong đếm đối với mình.
Hơn nửa năm có mặt tại Hà Nội, dường như Dominique Grand đã phải lòng Việt Nam cũng như Hà Nội. Vị chuyên gia này đang tính tới chuyện sống lâu dài ở Việt Nam. “Ở đây có nhiều điều để khám phá. Không chừng, tôi có thể lập gia đình ở đây ấy chứ!” - Đôm nháy mắt rồi cười đầy ẩn ý.