Tìm thị trường tiêu thụ nhãn, vải ở các tỉnh phía Bắc
Kinh tế - Ngày đăng : 13:51, 18/04/2018
Vải, nhãn là hai loại cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc với tổng diện tích năm 2017 là 98.300ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả, trong đó vải chiếm 16% và nhãn chiếm 11%. Bộ NN&PTNT dự báo thời tiết từ tháng 3 đến tháng 5-2018 thuận lợi cho vải, nhãn nở hoa, đậu quả và phát triển. Hiện tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả đạt trên 90%. Năm nay, dự kiến sản lượng vải 3 tỉnh (Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương) ước đạt hơn 217.000 tấn. Nhãn sản lượng dự kiến đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó Hưng Yên 41.000 tấn, Sơn La 38.000 tấn...
Về thị trường tiêu thụ, tỷ lệ tiêu thụ vải, nhãn ở thị trường nội địa chiếm khoảng 50% chủ yếu ở thị trường TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và có xu hướng tăng. Hiện nay, vải tươi của nước ta đã xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Năm nay vải dự báo được mùa, nên đã tạo áp lực lớn cho tỉnh trong tìm kiếm và tiêu thụ quả vải. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biế, sản lượng vải của tỉnh đạt 12.000 tấn tăng 15%, nhãn là 41.000 tấn tăng 30%. Để không xảy ra tình trạng được mùa mất giá, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu, quảng bá xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp về Hưng Yên bàn các giải pháp tiêu thụ, tổ chức hội chợ ở Ecopark.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong việc hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng an toàn, chuỗi giá trị khép kín, nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tạo điều kiện để các tỉnh tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội thông qua các hội chợ, nhưng các tỉnh cũng cần quan tâm tới thị trường phía Nam.
“Với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã cử người sang tỉnh Quảng Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, các tỉnh cần khuyến cáo người dân không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất trong chuỗi giá trị là mang lại lợi nhuận cho nông dân, nên không để xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá ” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.