Dự kiến ngày 21-5 khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV
Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 18/04/2018
Trước đó, các đại biểu nghe tờ trình và báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản. Điểm mới của dự án luật nêu trên là bãi bỏ giấy phép quy hoạch xây dựng, đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền, giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng.
Cho rằng việc xây dựng luật là cần thiết nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc dùng một luật sửa nhiều luật, nhiều nội dung khác nhau, đa mục tiêu khó có thể bảo đảm tính thống nhất và chất lượng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm trên và cho biết, trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉ sửa 11 điều của Luật Xây dựng và 8 điều của Luật Quy hoạch đô thị để phù hợp với Luật Quy hoạch theo đúng mục tiêu ban đầu của chương trình xây dựng luật. Các điều khác của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nếu Chính phủ chuẩn bị tốt thì có thể xem xét tại kỳ họp sau, với từng luật một.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV; chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019.
Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-5-2018 và bế mạc vào ngày 14-6-2018. Trong đó, thời gian xây dựng luật là 11 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác là 6,5 ngày; khai mạc, bế mạc là 1,5 ngày. Đây là kỳ họp có nội dung ngắn so với nhiều kỳ họp vừa qua.
Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất với chương trình kỳ họp và nêu quan điểm, cần tăng thời lượng thảo luận ở hội trường về những dự án luật quan trọng, dư luận quan tâm, vẫn còn những ý kiến khác nhau, như dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành với đề xuất trên và đề nghị giảm thời gian họp tổ để tăng thời gian thảo luận ở hội trường. Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc thí điểm cải tiến chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua được cử tri ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, ở Quốc hội có quy mô lớn hơn, việc cải tiến sẽ được tiến hành từng bước. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần. Sau 3 người hỏi thì người được chất vấn trả lời câu hỏi của đại biểu không quá 3 phút/lần.