Chú trọng kết quả xử lý khi chấm điểm phòng, chống tham nhũng
Đời sống - Ngày đăng : 11:20, 19/04/2018
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phí Ngọc Tuyển cho rằng, có khoảng cách rất xa giữa mục tiêu và kết quả chống tham nhũng mà Đảng, Chính phủ đã đề ra. Vì vậy, so với bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đối với UBND cấp tỉnh năm 2016, bộ chỉ số năm 2017 mở rộng phạm vi đánh giá làm cơ sở nâng cao chất lượng thông tin báo cáo, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và hoạch định chính sách.
Các nội dung được đặc biệt chú trọng trong xây dựng thang điểm đánh giá là: Lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa; phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.
Năm 2016, điểm số trung bình của cả nước về phòng, chống tham nhũng là 58,34/100 điểm, địa phương đạt điểm cao nhất là tỉnh Lào Cai với 77,67 điểm và địa phương có điểm thấp nhất là Vĩnh Long với 43,53 điểm. Có 31 địa phương có điểm số thấp hơn điểm số trung bình trên toàn quốc. Theo đánh giá chung, yếu nhất là công tác phát hiện tham nhũng chỉ đạt 44,08%, công tác xử lý tham nhũng chỉ đáp ứng 41,6% so với yêu cầu.
Một điểm đáng lưu ý là nội dung xác minh tài sản thu nhập thường không đạt điểm và việc phát hiện ra trường hợp kê khai không trung thực là không có. Trên cả nước, tỷ lệ xác minh thu nhập với tổng số bản kê khai trong nước là 0,057%, tức là 10.000 người thực hiện kê khai chỉ có một người được xác minh tài sản thu nhập.