Bài cuối: Đòi hỏi đồng bộ các giải pháp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 19/04/2018

(HNM) - TP Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tháo gỡ các rào cản về tích tụ ruộng đất, nguồn vốn, đặc biệt là cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.


Đích đến của tái cơ cấu

Năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội là tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản... trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về: Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, công tác thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm...

Chăm sóc giống cây trồng chất lượng cao tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng). Ảnh: Thái Hiền


Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, theo dự thảo về kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, mục tiêu là phát triển nền nông nghiệp Hà Nội mang nét đặc trưng của Thủ đô, trong mối quan hệ với phát triển nông nghiệp của cả nước. Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, giáo dục...

Trong đó, với lĩnh vực trồng trọt, tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm… Phấn đấu tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt từ 1,5 đến 1,7%/năm… Đối với chăn nuôi, tập trung thu hút đầu tư phát triển trang trại gắn với du lịch, giáo dục, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản...

Ngoài ra, Hà Nội cần chọn hướng đi phù hợp khi triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Như nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Hà Nội có thế mạnh và đặc thù phát triển riêng. Trong đó, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, giáo dục, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản và sản phẩm làng nghề là hướng đi phù hợp.

Theo dự thảo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2018-2020: Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt từ 2,5 đến 3%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 347 xã trở lên, có 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng 7,5%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,4%...


Đồng bộ giải pháp và chính sách

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Hà Nội đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp và chính sách để tháo gỡ khó khăn, trong đó khó khăn về vốn và tích tụ ruộng đất là căn bản. Đối với vấn đề tích tụ ruộng đất, thành phố đang giao các địa phương thống kê, rà soát diện tích đất lúa cần chuyển đổi để có phương án trình Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, huyện Phúc Thọ đã hoàn thành công tác rà soát, xin chuyển đổi khoảng 2.000ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, hoa, rau màu, trang trại chăn nuôi… Nếu tháo gỡ được vấn đề đất đai sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Không chỉ các địa phương mà nhiều doanh nghiệp cũng rất mong thành phố có chính sách tháo gỡ về mặt bằng để thuận lợi trong đầu tư...

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu Ngô Minh Trưởng, với quỹ đất hạn hẹp như Hà Nội, để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả thì ứng dụng công nghệ cao là yếu tố then chốt. Để tháo gỡ vấn đề mặt bằng, tạo quỹ đất đủ rộng, Nhà nước nên bảo hộ cơ chế tự nguyện của doanh nghiệp và người dân trong tích tụ, tập trung đất đai thông qua vai trò trung gian của chính quyền địa phương trong quá trình đàm phán giữa doanh nghiệp với nông dân.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho rằng, các địa phương căn cứ lợi thế đồng đất để lựa chọn hướng đi phù hợp; cần tránh tình trạng cùng phát triển một sản phẩm dẫn đến dư thừa, khó tiêu thụ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) Nguyễn Huy Anh cho biết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, dựa vào lợi thế của địa phương, xã Đại Thành chọn chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang trồng cây ăn quả với diện tích hơn 200ha, trong đó cây nhãn chín muộn là chủ lực. Nếu được đầu tư và phát triển đồng bộ, nhãn chín muộn của Đại Thành có thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tới Mỹ và nhiều thị trường khác.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết thêm, đối với nguồn vốn, trên cơ sở chính sách hiện có, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư thông qua việc hằng năm có những gói hỗ trợ theo mục tiêu. Trong đó, tổ chức, cá nhân xây dựng dự án đầu tư; thành phố phê duyệt những khoản hỗ trợ trong dự án đó. Tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện và chỉ được thanh toán khi dự án hoàn thành, được nghiệm thu và đi vào hoạt động. Mức hỗ trợ sẽ được ấn định cho từng dự án, số tiền hỗ trợ cho mỗi dự án do thành phố quyết định nhưng không vượt quá 30%.

“Sở NN&PTNT Hà Nội vừa họp Ban Chỉ đạo nông nghiệp công nghệ cao, qua đó, ban sẽ khảo sát, lấy ý kiến đóng góp và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương và doanh nghiệp để báo cáo thành phố có hướng tháo gỡ…” - ông Mỹ nói.

Rõ ràng, để đạt được mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Hà Nội cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp (chế biến sâu, phân phối); ưu đãi thuế đất, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp với mức thuế thấp hơn doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp... Những đầu việc này cần phải thực hiện đồng bộ và có lộ trình hoàn thành cụ thể mới mong có đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô những năm tới.

Đỗ Minh - Ngọc Quỳnh