Bộ NN&PTNT sẽ cắt giảm gần 70% điều kiện kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 11:51, 19/04/2018

Đại diện Ban Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Bộ đã rà soát tổng thể và đề xuất cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá 241 điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKKD) trong tổng số 345 điều kiện, tương đương 69,8% ĐKKD được cắt giảm.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê


Ngày 18-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về danh mục rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành nông nghiệp hiện có 33 ngành, nghề với 345 ĐKKD, Bộ NN&PTNT đã rà soát tổng thể và đề xuất cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá 241 điều kiện, bảo đảm đáp ứng 69,8% ĐKKD được cắt giảm.

Cụ thể, 131 điều kiện trong số 172 ĐKKD về thú y, thức ăn chăn nuôi, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, sản phẩm biến đổi gen hiện đang quy định tại 4 Nghị định (Nghị định 35/2016/NĐ-CP; Nghị định 66/2016/NĐ-CP; Nghị định 39/2017/NĐ-CP; Nghị định 69/2010/NĐ-CP), sẽ được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về ĐKKD trong lĩnh vực nông nghiệp mà Bộ đang xây dựng và thực hiện lấy ý kiến rộng rãi.

Cùng với đó, nhiều ĐKKD đã được cắt giảm tại Luật Thủy sản. Bộ sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2019); tại dự án Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và các Nghị định hướng dẫn thi hành hai luật này.

Tham gia góp ý kiến tại hội thảo, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho rằng Bộ NN&PTNT đã tích cực trong việc cắt giảm những ĐKKD bất hợp lý, tháo gỡ rào cản cho DN. Tuy nhiên, Bộ cũng cần khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm cụ thể, rõ ràng để DN dễ dàng tuân thủ và phục vụ cho việc chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Ông Trần Văn Thiên, Hiệp hội sản xuất kinh doanh thuốc thú y cho rằng: “Trên thực tế các ĐKKD trong các nghị định không phải là vấn đề lớn, nhưng chính các 'giấy phép con’ quy định trong các thông tư hướng dẫn mới đang trói chân các DN”. Vì vậy, ông Thiên kiến nghị, Bộ NN&PTNT cũng cần rà soát các văn bản dưới luật, đồng thời tham khảo cách làm của các bộ, ngành liên quan để tiếp tục cắt giảm, bãi bỏ những quy định mang tính “tự trói mình”, lại gây khó khăn, bức xúc cho DN.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội thuốc bảo vệ thực vật, vẫn còn nhiều ĐKKD bất hợp lý mà dự thảo Nghị định sửa đổi chưa đề cập đến. Cụ thể, trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, có quy định nhà xưởng phải được bố trí trong khu công nghiệp. “Vậy rất nhiều nhà máy đã được cấp phép xây dựng, tiêu tốn đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, giờ phải di dời vào khu công nghiệp liệu có khả thi không? Có cần thiết không hay sẽ gây những ‘nguy hiểm’ cho sự sống còn của các DN?”.

Hay khi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, ông Sơn cho rằng, yêu cầu chủ DN phải là người có bằng cấp về bảo vệ thực vật là không cần thiết mà chỉ cần người bán hàng trực tiếp có trình độ là được. “Nếu còn giữ những quy định đó thì là không thực tế và DN còn phải khổ sở rất nhiều”, ông Sơn khẳng định.

Chia sẻ ý kiến từ một người trẻ, tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty TNHH Sói Biển Trung Thực - chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cho biết, trong vòng 20 ngày qua, công ty của anh đã phải tiếp đến 7 đoàn thanh kiểm tra, dù đã thành lập thêm một bộ phận tiếp đón nhưng nhiều khi cán bộ thanh tra lại yêu cầu đích thân giám đốc phải có mặt trong các buổi làm việc. 

Theo Chính phủ