Xây dựng thể chế đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Chính trị - Ngày đăng : 05:40, 19/04/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về Xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, cho đến nay, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần thông qua các cuộc họp của Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và hội nghị đại biểu chuyên trách Quốc hội cũng như góp ý của các bộ, ngành.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng thể chế chính sách pháp luật cho các đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt phải “có sự khác biệt hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước để tạo sức thu hút mạnh mẽ cho đầu tư”.
Thủ tướng nêu rõ yêu cầu xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải bảo đảm nguyên tắc không trái quy định của Hiến pháp, nhưng có tính vượt trội để có thể cạnh tranh, thu hút đầu tư. Cùng với đó, việc hình thành bộ máy chính quyền tại các đơn vị này phải theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm cân bằng 3 lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ quan đầu mối của Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các nội dung, phần việc liên quan.
Hoan nghênh ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, địa phương đối với dự thảo Luật, Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, song Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận xét, tiến độ xây dựng các dự thảo này còn bị chậm, kéo dài. “Đây không phải là 3 đặc khu của 3 tỉnh mà là làm cho quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nêu rõ và đề nghị quá trình xây dựng các dự thảo Luật, Đề án cần có sự đồng thuận trong nhân dân.
Về các nội dung lớn của dự thảo Luật, Thủ tướng nêu rõ tinh thần không cầu toàn nhưng phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững.
Việc xây dựng tổ chức, bộ máy của các đơn vị này cần theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, phân cấp mạnh trong quản lý, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể của các cơ quan kể cả Quân đội, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Ngoại giao, Thuế, Hải quan.
Thủ tướng đề cập đến yêu cầu hoàn thiện chính sách bảo đảm nhất quán, ổn định, lâu dài. Dự thảo Luật cần cập nhật số liệu mới nhất, xác định rõ lợi thế khu vực và quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng các tác động trong ngắn hạn và lâu dài; có tầm nhìn tổng thể, chiến lược để hoạch định các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Trên tinh thần xây dựng một đạo luật “mở”, Thủ tướng đề nghị giao cho Chính phủ điều chỉnh một số vấn đề cụ thể trong Luật để bảo đảm tính linh hoạt tốt hơn. Về cơ chế, chính sách cho các đơn vị đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng đề nghị tiếp tục lắng nghe, chọn lọc các ý kiến đóng góp trên cơ sở mục tiêu xây dựng cơ chế vượt trội, thông thoáng, thu hút nhà đầu tư, có phương án tiếp thu, giải trình chặt chẽ thuyết phục về lợi ích và cơ chế để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Yêu cầu chuẩn bị kỹ càng công tác xây dựng tổ chức bộ máy cán bộ ngay từ bây giờ để khi Luật có hiệu lực có thể tiến hành ngay, Thủ tướng cũng lưu ý có những cơ chế thu hút được nhân tài tham gia quản lý, điều hành tại các đặc khu. Trong quá trình đó, không để “khoảng trống" trong quản lý nhà nước khi Luật có hiệu lực. Lãnh đạo các địa phương liên quan phải xác định rõ và tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn.
Thủ tướng cũng chỉ đạo lập bảng thống kê, phân công cụ thể tất cả các đầu việc từ trung ương xuống địa phương để không bỏ sót các công việc liên quan, sao cho “các đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt phải tốt hơn, thuận lợi hơn cho cuộc sống người dân bản địa kể cả trước và sau khi luật có hiệu lực”. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, môi trường và bảo đảm gìn giữ trật tự an toàn xã hội.
Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng lưu ý trong quá trình xây dựng các dự thảo cần “giao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu”, “không sợ mất quyền”; nỗ lực xây dựng quy hoạch dài hơi và thực sự có chất lượng ngay từ bây giờ.