Hiểm nguy rình rập
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 20/04/2018
Chung cư Bảy Hiền Towers là một trong 8 công trình chưa bảo đảm quy định về phòng cháy, chữa cháy. |
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có 8 chung cư chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa người dân vào ở. Cụ thể là chung cư Nguyễn Quyền (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), gồm 16 tầng, đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu PCCC. Cơ quan chức năng đã hai lần tạm đình chỉ hoạt động nhưng chủ đầu tư không khắc phục vi phạm về PCCC, trong khi vẫn cố tình đưa người dân vào ở, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Tiếp đến là chung cư Bảy Hiền Towers (phường 11, quận Tân Bình) thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt về PCCC, vi phạm về mật độ xây dựng và bố trí công năng sử dụng. Chủ đầu tư cũng không có thiện chí hợp tác để khắc phục các vi phạm về PCCC.
Tương tự, chung cư Bắc Bình (phường 25, quận Bình Thạnh) quy mô 12 tầng với 57 căn hộ. Từ năm 2012 chung cư này đã có người vào ở, nhưng đến nay sau nhiều lần tổ chức kiểm tra, xử phạt, chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục vi phạm về PCCC. Đáng chú ý, tại cao ốc Ngọc Khánh (21-23 đường Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5), gồm 20 tầng, bàn giao căn hộ cuối năm 2017, nhưng tới nay chỉ mới lắp đặt hệ thống PCCC từ tầng 1 đến tầng 16...
Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với các công trình đã được kiểm tra, kiến nghị xử lý vi phạm nhưng chủ đầu tư không khắc phục hoặc đã ra quyết định xử phạt nhưng không chấp hành thì ngành chức năng sẽ áp dụng biện pháp tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành, sẽ đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Với những giải pháp nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa đủ "mạnh tay" để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm PCCC. Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng), xử phạt hành chính đối với lĩnh vực vi phạm quy định về PCCC hiện được áp dụng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Theo đó, tại Khoản 6 Điều 36 Nghị định này quy định mức phạt tiền tối đa chỉ là 50 triệu đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu PCCC. Và biện pháp khắc phục chỉ là buộc khắc phục hoặc buộc nghiệm thu các điều kiện để bảo đảm an toàn PCCC.
Như vậy, theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, đây là mức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận mà các chủ đầu tư thu về. Thực tế nếu vượt quá xử lý hành chính thì có thể xử lý hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng theo điều này chỉ khi xảy ra các hậu quả nhất định về tính mạng, sức khỏe hoặc là vật chất. Rõ ràng, việc ngăn chặn thảm họa ngay từ gốc là chưa triệt để.