Kết nối cung - cầu nông sản
Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 20/04/2018
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị. Cùng dự có khoảng 300 đại biểu đại diện cho các sở, ngành, quận, huyện và doanh nghiệp sản xuất, phân phối, chế biến, doanh nghiệp ngân hàng của TP Hà Nội.
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư phát triển vùng, khu vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Chăm sóc cây trồng chất lượng cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt |
Chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa
Những năm qua, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm với các hợp tác xã, hộ sản xuất, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được “đầu vào” và “đầu ra”. Giá cả hàng hóa ổn định khi sản phẩm được đưa vào các kênh phân phối hiện đại. Hầu hết các sản phẩm có mặt trên thị trường được người dân Thủ đô tin dùng. Ngoài ra, các ngành chức năng còn hỗ trợ phát triển và công bố được nhiều nhãn hiệu, thương hiệu như: Sữa bò Ba Vì, chè Ba Vì, gà đồi Ba Vì, bưởi Phúc Thọ, ổi Đông Dư, rau Vân Nội… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội, việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo; sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đặc biệt, chưa giải quyết được vấn đề tích tụ đất để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi; chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… dẫn đến tỷ lệ sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chỉ đạt 30%.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất, bán trực tiếp cho thương lái, mà chưa chú trọng đến nhu cầu của thị trường và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững; giá cả hàng hóa không ổn định. Nhiều hộ nông dân, hợp tác xã chưa nhận thức được chỉ có sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… mới tồn tại bền vững, nên vẫn chạy theo lợi nhuận, chưa bảo đảm chữ tín với doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng tiêu thụ không ổn định.
Về phía doanh nghiệp phân phối, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) nhấn mạnh, để hàng hóa có thể vào hệ thống thì hộ sản xuất, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, giấy chứng nhận, phiếu kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và các giấy tờ liên quan… Mặc dù yêu cầu là như vậy, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp, hợp tác xã không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, nên đây là một trong những nguyên nhân khiến việc đưa nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại không dễ dàng.
Gắn kết "6 nhà"
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Hội nghị về kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm. Ảnh: Thanh Minh |
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất bền vững theo quy hoạch; công khai phát triển vùng/khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động lập quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các bộ, ngành xây dựng và ban hành. Từ đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản. Thành phố sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, sàn giao dịch thương mại điện tử… Ngoài ra, thí điểm ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống bằng tem điện tử mã QRcode.
Bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) chia sẻ: "Nhờ được dán tem truy xuất nguồn gốc mà sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Đặc biệt, khi tham gia hệ thống này và nhờ áp dụng toàn bộ “Quy trình xác thực chống hàng giả” sản phẩm không chỉ minh bạch được nhật ký sản xuất, xuất xứ hàng hóa, mà còn được tham gia vào hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc của UBND thành phố với đầy đủ các chức năng thương mại điện tử, kết nối cung cầu bảo đảm an ninh thương mại điện tử, an ninh logistics, đồng thời được quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng".
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp cần đầu tư nhân lực có trình độ chuyên môn nhằm tiếp cận và sử dụng hiệu quả máy móc, công nghệ tiên tiến; có định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa "6 nhà": Nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối; chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa để làm cơ sở tìm đầu ra cho nông sản, ổn định giá cả, thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường trên địa bàn.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác về khai thác, tiêu thụ sản phẩm nông sản, khai thác vùng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp phân phối với 22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. |