Kỳ vọng có nhà ở cho người thu nhập thấp
Bất động sản - Ngày đăng : 06:51, 20/04/2018
Ngày 3-4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới, hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/NĐ-CP trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Thời gian vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về việc này.
Ảnh minh họa. |
Với mức lãi suất này, người có thu nhập thấp không khó để có thể sở hữu một căn hộ. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngân hàng đã tập huấn cho chương trình này cách đây hơn một năm, khi Bộ Tài chính chuyển tiền sang là có thể giải ngân. Hiện, các chi nhánh của ngân hàng đã có chỉ tiêu vốn, việc phân bổ vốn sẽ được thực hiện theo nhu cầu tại địa phương. Cụ thể, năm 2018 Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được xét cho vay 50 tỷ đồng/địa phương; Hải Phòng 10 tỷ đồng; Bắc Giang 30 tỷ đồng; Lai Châu 10 tỷ đồng; Thanh Hóa 30 tỷ đồng… Tổng nguồn vốn Chính phủ dành cho chương trình khoảng 500 tỷ đồng, cộng với việc Ngân hàng Chính sách xã hội huy động từ nguồn khác thêm 500 tỷ đồng, nên tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội năm 2018 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng hợp nhanh từ các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại các địa phương, nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội tại ngân hàng này hiện lên tới 5.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch duyệt từ nay đến năm 2020, Chính phủ sẽ cấp 1.163 tỷ đồng cho chương trình này, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ huy động thêm số vốn tương đương con số này, nên dự kiến đến năm 2020 nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội khoảng hơn 2.300 tỷ đồng.
Sau thành công của gói 30.000 tỷ đồng, việc triển khai thêm một chương trình cho vay ưu đãi với nhà ở xã hội được nhiều người đón nhận. Tuy nhiên, quá trình triển khai được dự báo sẽ gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn Lý cho rằng, nguồn vốn ít trong khi nhu cầu nhiều là khó khăn lớn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, với kinh nghiệm triển khai nhiều chương trình cho vay đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách trong 16 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng đối phó với những khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối với những người dân muốn vay vốn hay chủ đầu tư dự án, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho vay nhà ở xã hội cũng không phải dễ dàng. Mới đây, hàng trăm khách hàng của dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) phản ánh họ phải chờ quá lâu mà chưa nhận được nhà. Lý do của tình trạng chậm tiến độ được chủ đầu tư cho biết, dự án đang được triển khai thì cơ quan chức năng dừng cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Do không còn lãi suất ưu đãi nên khách hàng không còn mặn mà với dự án, trong khi chủ đầu tư gặp khó khăn khi phải vay vốn đầu tư với lãi suất thương mại.
Sau khi gói 30.000 tỷ đồng dừng triển khai, tính đến thời điểm này, đã hơn một năm trôi qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có hàng loạt văn bản hướng dẫn cho gói vay mới ưu đãi dành cho nhà ở xã hội nhưng đến nay nguồn vốn vẫn chưa có. Bởi vậy, việc Ngân hàng Chính sách xã hội sớm triển khai 1.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm được nhiều người kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội có nhà cho những người thu nhập thấp.