Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng

Chính trị - Ngày đăng : 10:01, 20/04/2018

(HNMO) - Sáng 20-4, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản đã diễn ra tại Hà Nội và 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.

Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đại diện các bộ, ban, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp.

Ảnh: chinhphu.vn



Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng đã ngày càng được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp như: Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm; thời gian chuẩn bị đầu tư tính đến thời điểm khởi công của dự án sử dụng vốn công thường kéo dài, đặc biệt là dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp; tiến độ đền bù, GPMB thường bị kéo dài; thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài; một số công chức, viên chức còn gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tập trung tháo gỡ những khó khăn trước mắt làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng, tiến độ xây dựng, giải ngân vốn đầu tư. Thời điểm này, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành... Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tập đoàn doanh nghiệp tập trung tháo gỡ trước hết về thể chế, cần sửa đổi, bổ sung những điều cụ thể  và nhìn nhận, mạnh dạn chỉ ra khâu yếu, thủ tục rườm rà... gây cản trở thì tìm cách tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong quá trình triển khai pháp luật về đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách từ thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, từ việc tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các kiến nghị của cử tri, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, người dân...

Qua đó, Bộ đã đề xuất các giải pháp và bước đầu đã tháo gỡ kịp thời một số khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay, những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng vẫn còn, đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ. 

Hiện nay, hoạt động đầu tư xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc dự án đầu tư xây dựng, đưa dự án vào vận hành, khai thác...

Tại hội nghị, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có tác dụng quyết định đến việc chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư. Nêu lên một số cơ chế chính sách chưa phù hợp, thủ tục hành chính còn rườm rà, sách nhiễu, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Hùng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi một số chính sách liên quan đến bồi thường khi thu hồi đất, cơ chế, chính sách đối với nhà ở xã hội, cũng như các chính sách liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch...

Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, với cơ chế hiện tại, các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn và rất mong được Thủ tướng xem xét tháo gỡ. Cụ thể, có chính sách bảo hộ quyền lợi cho các nhà thầu trong nước khi cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài, hỗ trợ các nhà thầu xây dựng Việt Nam tăng thêm sức cạnh tranh; bổ sung điều khoản bảo lãnh thanh toán đối với các chủ đầu tư ít nhất là 30% của cùng một giá trị gói thầu để đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp, tránh cho các doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình trạng nợ đọng xây dựng triền miên như hiện nay...

Liên quan đến cơ chế, chính sách đối với một số bộ luật liên quan đến đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản về nội dung mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ - văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cho phép các loại đất thương mại, dịch vụ, du lịch được sử dụng ổn định lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung, thành phần hồ sơ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị, dự án kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở trong Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng. 

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành đề xuất, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo đề xuất của Bộ Xây dựng, giao Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ từng năm cho đến năm 2020 để các bộ chủ động thực hiện theo sự phân công; đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hệ thống pháp luật về xây dựng hiện đang "nhiều đến mức độ không thể nhớ hết"; cần sớm tháo gỡ tồn tại này. Trước mắt, tập trung tháo gỡ thể chế, pháp luật, hoàn thiện khung  pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng. Đặc biệt, xử lý những cá nhân, tổ chức "ngâm lâu" hồ sơ, chỉnh đốn thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình xây dựng.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: Bộ Xây dựng hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, tiếp tục hoàn thiện dự thảo sửa đổi các luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6; Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu; Bộ Tài nguyên - Môi trường sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, thống nhất chính sách đối với các dự án chậm triển khai sau thu hồi đất...

Dạ Khánh