Nhận diện thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại
Pháp luật - Ngày đăng : 07:48, 21/04/2018
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội), hai tháng qua, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của 3 nạn nhân ở TP Hà Nội về việc bị một số đối tượng mạo danh công an để lừa đảo.
Vụ đầu tiên vào ngày 16-3, bà N.T.D (75 tuổi, trú ở quận Tây Hồ) nhận được một cuộc điện thoại gọi vào số máy cố định của gia đình bà. Đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh, đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến bà D và yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra. Từ ngày 16 đến 19-3, theo chỉ dẫn của đối tượng trên, bà D đã chuyển tiền vào 4 tài khoản tại 4 ngân hàng với tổng số tiền 6,1 tỷ đồng.
Tương tự, ngày 11-4, bà N.T.M (72 tuổi, trú ở quận Hoàng Mai) cũng nhận được một cuộc điện thoại với nội dung như trên và đã chuyển 260 triệu đồng vào một tài khoản do đối tượng chỉ định. Cùng ngày 11-4, một nạn nhân khác ở quận Hoàng Mai cũng mắc bẫy đã chuyển 1,1 tỷ đồng cho “cán bộ công an” để phục vụ hoạt động điều tra.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự, việc điều tra các vụ án lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội hiện gặp nhiều khó khăn do tội phạm dùng thủ đoạn tinh vi, liên kết với những đối tượng nước ngoài. Trong nhiều vụ án, đối tượng
chủ mưu, cầm đầu không phải là người Việt Nam. Đơn cử như năm 2017, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Tan Shi Ren (sinh năm 1984) và Zhao Xiao Mei (sinh năm 1980, cùng quốc tịch Trung Quốc) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án lần lượt là 13 năm tù và 9 năm tù. Dùng thủ đoạn lừa đảo tương tự nêu trên, hai đối tượng này đã chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của 3 nạn nhân ở Hà Nội. Với hầu hết những vụ án liên quan đến người nước ngoài, sau khi nạn nhân chuyển tiền thì số tiền này ngay lập tức được chuyển tiếp ra các tài khoản ở quốc gia khác, do đó rất khó để thu hồi.
Nhận định về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua điện thoại, Trung úy Nguyễn Xuân Cương, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cho biết, hình thức lừa đảo này không mới, nhưng gần đây các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động, tập trung vào những gia đình có điều kiện về kinh tế và người cao tuổi.
Các đối tượng đánh trúng tâm lý thiếu hiểu biết, không đủ minh mẫn, lo sợ liên quan đến pháp luật của người cao tuổi. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn tới bẫy lừa đảo này là người dân - đặc biệt là người cao tuổi - ít quan tâm đến cảnh báo của cơ quan chức năng, nên dù phương thức cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới.
Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu có vụ việc liên quan, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát sẽ mời người dân lên làm việc bằng cách gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập chứ không làm việc qua điện thoại. Việc tạm giữ, thu giữ tài sản, hàng hóa phải được lập biên bản trực tiếp.
Do đó, khi có cuộc gọi điện thoại của người lạ thì người dân cần cảnh giác, không làm theo yêu cầu của đối tượng, đồng thời không cung cấp các thông tin cá nhân khi chưa biết rõ mục đích. Khi nhận được cuộc gọi điện thoại có biểu hiện nghi vấn, người dân cần trình báo đến Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc công an sở tại để xác minh, làm rõ.
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì người thân trong gia đình cũng cần phổ biến thông tin, hình thức lừa đảo này cho những người cao tuổi nhận biết để đề cao cảnh giác.