Lãi suất giảm, dễ tiếp cận ngân hàng
Tài chính - Ngày đăng : 06:55, 21/04/2018
Dẫn đầu làn sóng giảm lãi suất là các ngân hàng thương mại nhà nước. Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), trần lãi suất huy động VND ở kỳ hạn 6, 7, 8 tháng chỉ còn 4,8%/năm, giảm 0,5%/năm so với trước. Còn với kỳ hạn dài, lãi suất không thay đổi, như kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 36 tháng, khách gửi tiết kiệm vẫn hưởng lãi suất 6,8-6,9%/năm.
Khách hàng giao dịch tại VPBank. Ảnh: Hải Anh |
Cùng với VietinBank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã có 2 lần điều chỉnh khung lãi suất huy động trong vài tuần gần đây. Cụ thể, trong lần điều chỉnh đầu tiên, lãi suất giảm 0,2%/năm với loại tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, lần tiếp theo lãi suất giảm 0,1%/năm lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 364 ngày và 13 tháng. Với mức giảm này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng ở BIDV còn 4,1%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng: 6,8-6,9%/năm.
Theo "làn sóng" của các ngân hàng thương mại nhà nước, khối ngân hàng cổ phần cũng đua nhau điều chỉnh. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), biểu lãi suất tiền gửi mới được áp dụng điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn.
Theo đó, kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 12 tháng đến 36 tháng giảm 0,2%/năm; kỳ hạn 6, 7 tháng giảm 0,3%/năm; kỳ hạn 8-11 tháng giảm 0,4%/năm. Đây là lần giảm lãi suất huy động thứ 3 liên tiếp trong 2 tháng gần đây của VPBank.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), biểu lãi suất cũng được điều chỉnh 2 lần trong tháng 3. Cụ thể, ngân hàng này giảm lãi suất 0,3-0,5%/năm ở các kỳ hạn 1-3 tháng còn 5-5,1%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,2-0,4%/năm, còn 6-6,3%/năm (tùy số tiền gửi).
Việc giảm lãi suất “đầu ra” là do thanh khoản dồi dào, các ngân hàng đang dư nguồn vốn, nên tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng được coi là giải pháp để ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay về mức "dễ thở" hơn với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Mặc dù mới chỉ điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn để giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức tương đương, nhưng một số ngân hàng đã triển khai các chương trình cho vay ưu đãi. Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank) có chương trình cho vay mua ô tô với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng có chương trình cho doanh nghiệp vay mua ô tô “Lướt xe đẳng cấp - Cập bến thành công”. Không chỉ cho vay mua ô tô, các sản phẩm cho vay khác cũng được ngân hàng đưa về mức thấp hơn so với trước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần đầu tháng 4, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất 4,3-5,5%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 5,3-6,5%/năm; trên 12 tháng: 6,5-7,3%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên: 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên là 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: 6,8-9%/năm (ngắn hạn), 9,3-11%/năm (trung và dài hạn). Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn 4-5%/năm.