Vấn đề cấp bách
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 22/04/2018
Xác định rõ tầm quan trọng của cơ sở vật chất, trong những năm qua, TP Hà Nội đã rất quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, bổ sung thiết bị dạy và học. Kết quả là những ngôi trường khang trang, hiện đại được xây dựng từ đô thị đến nông thôn, vùng núi xa xôi, mang đến niềm vui cho thầy và trò trước khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô học sinh gia tăng theo từng năm… khiến nhiều địa phương vẫn gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất...
Tình trạng chưa đồng đều về cơ sở vật chất trường học giữa các địa phương là một thực tế có tính lịch sử khách quan. Khắc phục vấn đề này không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục mà còn của toàn xã hội. Vì vậy, việc đầu tư trường lớp đạt chuẩn, đòi hỏi các ngành, địa phương phải cùng vào cuộc; trong đó, mọi giải pháp luôn hướng đến ưu tiên hàng đầu là bảo đảm quyền lợi học tập cho con em chúng ta.
Vậy, những việc cần làm trước mắt và lâu dài là gì?
Cùng với tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất (lớp học, phòng học chức năng, trang thiết bị…) ở những nơi có đủ điều kiện, vấn đề cấp bách hiện nay là tập trung xóa phòng học xuống cấp, phòng học nhờ, phòng học tạm ở những địa phương còn khó khăn. Muốn vậy, các địa phương phải sớm có lời giải cho bài toán quỹ đất, kinh phí bằng việc dành nguồn ngân sách thích đáng và đẩy mạnh xã hội hóa. Việc đầu tư cũng cần quan tâm và tiếp tục ưu tiên cho vùng khó khăn, vùng miền núi, xa trung tâm, cơ sở vật chất trường học thiếu thốn, nhất là ở các huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn… Việc làm này vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa có ý nghĩa xã hội, vì sẽ từng bước xóa dần khoảng cách về điều kiện dạy, học và chất lượng giáo dục giữa các vùng miền ở Thủ đô.
Đối với khu vực đô thị, thị trấn thị tứ, khu công nghiệp…, việc quy hoạch, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học phải được chính quyền các địa phương tính đến như một yêu cầu bắt buộc trong quá trình phát triển. Đặc biệt, trước thực tế các khu đô thị mới đang “mọc lên như nấm”, trong đó, không ít chủ đầu tư đã “quên” xây dựng trường học cho con em cư dân của mình thì việc phải có chế tài nghiêm khắc quy định rõ và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm vấn đề này là rất cần thiết và cần sớm được thực hiện.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp, các nhà trường cũng cần tăng cường tính chủ động trong huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, không nên quá trông chờ, ỷ lại vào "bầu sữa" ngân sách nhà nước; trong đó, cần chủ động dành kinh phí trong định mức để trang trải cho những hạng mục sửa chữa nhỏ, thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu dạy học, nhất là phải bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, với nhiều yêu cầu mới, sẽ là thách thức không nhỏ với không ít trường học ở Thủ đô. Trong đó, việc nâng cao điều kiện cơ sở vật chất trường học không thể thực hiện trong “ngày một ngày hai”, mà cần một quá trình với các phần việc khác nhau. Vì vậy, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần sớm có chỉ đạo cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn và cơ chế tài chính cho việc mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Có như vậy mới bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong quá trình thực hiện.