Luồng sinh khí mới cho cải cách EU
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 22/04/2018
Tổng thống Pháp E.Macron (trái) và Thủ tướng Đức A.Merkel tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức. |
Tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng A.Merkel và Tổng thống E.Macron đã tái khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong cải tổ EU và khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone). Nhà lãnh đạo Pháp đã đưa ra cảnh báo, EU đang bị “lung lay” bởi những biến động lớn và đang có các luồng quan điểm khác nhau. Theo ông E.Macron, chiến tranh và tranh chấp thương mại đang đặt chủ quyền chung của EU vào cuộc thử nghiệm và đây là thời điểm rất quan trọng cho tương lai của Châu Âu. Ông chủ Điện Elysee cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm tạo ra những thay đổi lớn cho EU và Eurozone, tuy nhiên, các ý kiến này đang gây tranh cãi tại Đức.
Về phần mình, Thủ tướng A.Merkel nhấn mạnh, cả hai nước muốn đưa ra đề xuất chung nhằm phục hưng Châu Âu bất chấp những khác biệt về nội dung cải cách EU. Thủ tướng Đức khẳng định, EU chỉ có thể thực thi các quyền lợi của mình cùng nhau và đây là sự hợp tác trung tâm giữa Berlin và Paris. Thực tế cho thấy, “bà đầm thép” của nước Đức luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng thúc đẩy các ý tưởng thay đổi vì một Châu Âu đoàn kết và mạnh mẽ hơn. Mục đích của tiến trình cải cách là ổn định Eurozone, trong đó có việc thiết lập liên minh ngân hàng giữa 19 quốc gia thành viên và lên kế hoạch cho cơ chế bảo hiểm tiền gửi duy nhất. Nhất trí với ý tưởng “thay máu” Eurozone, Tổng thống E.Macron khẳng định, việc cải cách có vai trò quan trọng, trong bối cảnh lục địa già đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự kiện Anh rời EU (Brexit) và sự hiện diện ngày càng lan rộng của chủ nghĩa cực đoan.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, dù chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề, nhưng giữa hai nhà lãnh đạo vẫn có những khác biệt. Tổng thống E.Macron mong muốn xây dựng một EU gắn kết sâu sắc hơn theo hướng có những chính sách tài chính thống nhất và chặt chẽ. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp ủng hộ kế hoạch thiết lập ngân sách chung Eurozone và bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính khu vực. Song, Thủ tướng A.Merkel tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của những sáng kiến trên vì e ngại việc này có thể làm suy yếu các cường quốc EU.
Trên thực tế, Chính phủ Đức vừa thành lập được vài tuần, phe bảo thủ và phe dân chủ xã hội tuy đồng ý là cần phải củng cố Châu Âu qua việc hợp tác với Pháp, nhưng bất đồng về chi tiết. Phe bảo thủ Đức muốn mỗi nước trong Eurozone phải chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế của chính mình, còn ông E.Macron lại muốn san sẻ rủi ro giữa các quốc gia thành viên. Trong khi đó, nhân vật ủng hộ Châu Âu nhiệt tình nhất tại Đức là cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Martin Schulz thì đã từ chức. Ngoài ra, sự hợp tác giữa bộ đôi lãnh đạo quyền lực Pháp - Đức được nhìn nhận là chưa đủ để mang đến sự chuyển biến hoàn toàn cho Eurozone bởi còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau giữa các nước thành viên về kế hoạch này. Mới đây, 8 quốc gia EU đã ký một văn kiện chung phản đối các dự án cải tổ Eurozone do Tổng thống Pháp khởi xướng vì không nhất trí với đề xuất của Paris về ngân sách chung và vị trí Bộ trưởng Tài chính Eurozone.
Có thể thấy, cải tổ đang là vấn đề cấp thiết hàng đầu đối với Eurozone. Pháp và Đức, hiện chiếm khoảng 50% sản lượng kinh tế của khu vực, được đánh giá là thành tố chủ chốt trong nỗ lực cải cách khối. Do đó, mặc dù còn tồn tại những quan điểm khác biệt, nhưng giới chức Berlin và Paris đều bày tỏ niềm tin rằng Thủ tướng A.Merkel và Tổng thống E.Macron sẽ đạt được một lập trường chung trước khi Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 28 và 29-6 tới.