Tăng trách nhiệm, giảm vi phạm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 24/04/2018
Không phủ nhận công tác quản lý đất đai nói chung và việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý đất nông nghiệp tại Hà Nội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Một loạt biện pháp (gồm cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao - cho thuê đất nhanh gọn, hiệu quả…) tăng cường quản lý đất đai đã được triển khai đồng bộ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thế nhưng, trên thực tế, công tác này còn nhiều phức tạp, cần sớm có biện pháp giải quyết.
Số liệu thống kê đến năm 2017 và quý I - 2018 cho thấy, toàn thành phố có gần 46 nghìn trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.409ha; vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm chờ xử lý. Không những thế, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai tại một số địa phương còn chậm, hoặc xử lý không dứt điểm dẫn đến phát sinh nhiều vụ việc kéo dài và đơn thư vượt cấp.
Ai cũng nhận thấy, những sai phạm trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp, nhất là những công trình lớn không thể “mọc” lên trong một sớm một chiều. Vậy, vì sao vi phạm không bị phát hiện, xử lý ngay từ đầu? Liệu có tình trạng chính quyền cơ sở bất lực hay làm ngơ cho sai phạm?
Rõ ràng để xảy ra vi phạm trên là do các cấp chính quyền buông lỏng quản lý. Các sở, ngành, chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai nói chung và kiểm tra, xử lý các vi phạm lĩnh vực đất nông nghiệp nói riêng. Cùng với đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý vi phạm đất đai tại một số địa phương.
Thực hiện Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 14-1-2014 về “Tăng cường công tác quản lý đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố”, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 122/KH-UBND ngày 1-6-2017 về “Tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố”. Theo đó, thành phố tập trung rà soát toàn bộ các trường hợp cho thuê sử dụng đất công, đất nông nghiệp công ích tại các xã, phường, thị trấn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đất đai…
Để công tác này đạt hiệu quả, việc tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng. Chỉ khi nào từng cán bộ chuyên môn, chính quyền cơ sở được phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” thì những vi phạm trên mới có thể giảm. Theo đó, các quận, huyện cần có giải pháp quyết liệt và triệt để hơn nữa khi xử lý vi phạm, phân rõ từng trường hợp vi phạm để có biện pháp xử lý dứt điểm. Về phía chính quyền cấp xã cần nêu cao trách nhiệm trong kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý ngay, không để vi phạm có cơ hội tiếp diễn, không né tránh, đẩy trách nhiệm lên cấp huyện hoặc các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt tại các dự án, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chính sách pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm rõ các quyền và nghĩa vụ theo quy định, không để xảy ra vi phạm vì thiếu hiểu biết.