Chậm đổi mẫu mã, khó cạnh tranh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 25/04/2018
Sản xuất đồ mỹ nghệ truyền thống tại làng nghề Sơn mài Duyên Thái, huyện Thường Tín. Ảnh: Thái Hiền |
Hiện nay, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu đang dựa trên thiết kế và sử dụng nhãn mác của nước ngoài. Ông Nguyễn Xuân Huy, chủ doanh nghiệp ở làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) dẫn chứng, doanh nghiệp của ông hiện có 50 lao động chuyên chế tác đồ mỹ nghệ, trang sức từ sừng như vòng đeo tay, lược chải đầu, đồ gỗ mỹ nghệ… xuất khẩu sang Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhưng toàn bộ sản phẩm doanh nghiệp làm theo mẫu đặt hàng của đối tác nước ngoài nên không chủ động được kế hoạch sản xuất. "Mẫu mã sản phẩm trong nước đơn điệu, khó cạnh tranh với hàng thủ công mỹ nghệ cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…" - ông Huy nói.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động. Trong đó, số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí là 1.748 làng, thu hút hơn 10 triệu lao động tham gia, mang lại kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có thể mang lại lợi nhuận nhiều hơn nữa nếu được quan tâm hơn đến kiểu dáng và mẫu mã.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa trăn trở: Thiết kế mẫu sản phẩm tại các làng nghề còn cầu kỳ, nặng phô diễn kỹ thuật, chưa chú trọng công năng... Số nghệ nhân được đào tạo cơ bản chưa nhiều, tỷ lệ con em nghệ nhân theo nghề có chiều hướng giảm, việc truyền nghề giữa các thế hệ bị gián đoạn. Hầu hết hộ sản xuất có quy mô nhỏ lẻ. Các làng nghề và trường đào tạo về mỹ thuật chưa có sự kết nối…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, yếu tố độc đáo và truyền thống trong thiết kế mẫu mã các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chưa đủ để tạo nên sức sống bền lâu trên thị trường…
Tại Hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng với thiết kế mẫu sản phẩm trong làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam” do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp vừa tổ chức, nhiều ý kiến đã đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hoạt động thiết kế mẫu, đáp ứng yêu cầu phát triển của làng nghề. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, cần đẩy mạnh mối liên hệ giữa làng nghề, nghệ nhân với cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học trong việc thiết kế, cải tiến mẫu mã.
Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra với các làng nghề là nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua đổi mới công nghệ. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, cần sự đầu tư của Nhà nước, nỗ lực của các hộ sản xuất. Tháo gỡ những khó khăn này sẽ giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và đưa làng nghề phát triển bền vững.
Trên thực tế, mô hình hợp tác đào tạo nhà trường - làng nghề đã đạt kết quả cao tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Thạc sĩ Bùi Trung Dũng, Phó Trưởng phòng Phụ trách phòng Đào tạo (Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp) cho hay: Nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên của nhà trường xuất thân là con em làng nghề Bát Tràng. Hiện nay, sinh viên của nhà trường là con em làng nghề Bát Tràng khá nhiều, là nguồn nhân lực chất lượng cao giúp làng nghề này phát triển bền vững.
Đây là một mô hình rất đáng để các làng nghề trên cả nước tham khảo.