Cơ hội tìm kiếm sự đồng thuận

Thế giới - Ngày đăng : 06:15, 26/04/2018

(HNM) - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) vừa kết thúc tại TP Toronto, Canada đã thảo luận về một loạt vấn đề an ninh nổi cộm trên thế giới.

Chống khủng bố, tấn công mạng, kiểm soát thách thức an ninh nội địa là những chủ đề được thảo luận sôi nổi bên cạnh các vấn đề khác nổi lên như, quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây và các bước tiến trong giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 tại Toronto, Canada đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng.


Đây là hội nghị cấp bộ trưởng thứ hai của nhóm G7 trong năm nay do Canada làm Chủ tịch luân phiên và được coi là một trong những hội nghị ngoại trưởng quan trọng nhất trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh tại TP Quebec trong hai ngày 8 và 9-6 tới. Hồ sơ Triều Tiên và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những chủ đề lớn nhất tại hội nghị G7 lần này.

Sau 3 ngày nhóm họp, các ngoại trưởng G7 đã nhất trí duy trì áp lực với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và bày tỏ thái độ lạc quan thận trọng trước những tuyên bố tích cực gần đây của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Các ngoại trưởng đã kêu gọi Triều Tiên từ bỏ toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt, kể cả vũ khí sinh học và hóa học cũng như các chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, bao gồm cả tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Theo các nước G7, quyết định ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cộng đồng quốc tế, do đó cần tiếp tục duy trì áp lực và các lệnh trừng phạt tối đa để buộc Triều Tiên phải từ bỏ toàn bộ tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Thực tế cho thấy, dù luôn ủng hộ nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un chấm dứt tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, song, các nước G7 cũng có những quan điểm khác biệt quanh tuyên bố mới nhất của Triều Tiên.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng, gọi đây là “một tiến bộ to lớn”, thì Nhật Bản vẫn rất thận trọng khi Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu Triều Tiên phải “hủy bỏ toàn bộ các chương trình phát triển hạt nhân và đạn đạo”. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hoài nghi liệu ông Kim Jong-un "có thực sự quan tâm tới việc đàm phán phi hạt nhân hóa hay không".

Các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ quan ngại về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ tuyên bố ngừng thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tháo dỡ các thiết bị tại một cơ sở hạt nhân ở phía Bắc.

Bên cạnh điểm nóng Triều Tiên, căng thẳng ở mức chưa từng có từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây trở thành tâm điểm của hội nghị. Trong khi những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine vẫn còn dai dẳng, vụ không kích chớp nhoáng của liên quân Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria, cùng với vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal mà phương Tây cáo buộc Nga đứng đằng sau đã đẩy quan hệ hai bên tới bờ vực nguy hiểm.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là các nhà ngoại giao G7 dù nhất trí tiếp tục gây sức ép đối với Nga về vấn đề Syria và Ukraine, song, các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Mátxcơva đã không nằm trong chương trình nghị sự. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng trong quan hệ vốn không "xuôi chèo, mát mái" giữa hai bên.

Với những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh G7 được đánh giá là cơ hội để các cường quốc tìm kiếm sự đồng thuận trong việc giải quyết những vấn đề nóng đang gây mâu thuẫn giữa các nước nói chung và ngay trong nội bộ G7 nói riêng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, để giải quyết các thách thức và hóa giải bất đồng, G7 phải có những giải pháp thích hợp, linh hoạt nhằm tạo ra sự hợp tác chung ứng phó với những điểm nóng trên thế giới.

Thùy Dương