Ký ức “đỏ lửa” qua 200 bức thư, nhật ký thời chiến
Văn hóa - Ngày đăng : 13:21, 26/04/2018
Triển lãm "Thư, nhật ký thời chiến" mang đến nhiều rung cảm cho người xem. |
* Những nhật ký “sống”
9h sáng 26-4, triển lãm trưng bày “Thư, nhật ký thời chiến” khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Thân nhân của nhiều anh hùng, liệt sĩ có mặt để cùng nhớ về những người con, người anh, người chị đã ngã xuống nhưng bút tích của họ vẫn còn lưu lại. Ở đó, những ký ức của người đã khuất được ghi chép lại trong những trang giấy đã ngả màu phần nào gợi nhớ một phần lịch sử oai hùng của dân tộc, nhưng hơn cả ở đó chứa đựng bao tâm tình, bao nhiệt huyết, tình yêu gửi về quê nhà.
Ông Nguyễn Văn Cân (79 tuổi) đưa mẹ Đỗ Thị Hò (99 tuổi) dự triển lãm. Cả hai đêu xúc động khi độc lại dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Dân |
Có mặt tại Hà Nội từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Cân (79 tuổi), chậm rãi dìu người mẹ 99 tuổi Đỗ Thị Hò tần ngần đứng xem bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Dân – người con, người em đã hy sinh. Cụ Đỗ Thị Hò không còn nghe rõ người đối diện hỏi, nhưng dáng vẻ vẫn còn khỏe mạnh và tinh tường lắm. Cụ lặng lẽ chạm tay vào bức thư của con trai đã được in to treo ở triển lãm. Gương mặt người mẹ không biến đổi nhiều, nhưng ánh mắt nhìn xa xăm.
Ông Nguyễn Văn Cân, anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dân bày tỏ: “Hôm qua, khi nhận được thư mời của bảo tàng, tôi hỏi: Mẹ có đi được không, con đưa đi. Cụ rành rọt bảo: Đi được. Thế là sáng sớm, hai mẹ con từ Mê Linh lên Hà Nội dự triển lãm”.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Cân, trong thời gian đi chiến đấu, liệt sĩ Nguyễn Văn Dân gửi về cho gia đình 26 bức thư. Gia đình đều tặng lại cho bảo tàng cất giữ. “Mẹ tôi đọc thư của em tôi gửi về đều rất xúc động. Trong thư, em tôi luôn bày tỏ ý chí, tinh thần chiến đấu kiên cường. Chúng tôi rất tự hào về điều đó. Đến giờ, mẹ tôi đọc thư của em, nhớ về em không còn khóc nữa. Hôm nay, tôi đọc lại thư của em cho mẹ, cụ lắng nghe và gật đầu hạnh phúc”, ông nguyễn Văn Cân bày tỏ.
Trong chuyến đi tìm lại ký ức, bà Trần Thị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi bồi hồi khi dừng lại ở chiếc tủ có bày cuốn nhật ký của liệt sĩ Đỗ Đình Xô (hy sinh năm 1972). Bà Minh kể, thuở hai người mười tám, đôi mươi đã dành cho nhau nhiều lời hẹn ước trước khi liệt sĩ Đỗ Đình Xô ra chiến trường.
“Ngày đó chúng tôi còn rất trẻ con, ngây thơ. Tình cảm thời con gái 18 tuổi rất nhẹ nhàng và lãng mạn. Trong buổi giao quân, anh nói với tôi: Em yên tâm ở nhà, anh đi đánh giặc sớm về, rồi chúng mình cùng đi trên con đường đỏ lửa nắng hè. Anh ấy đi sau đó ít lâu tôi có nhận được một vài lá thư. Rồi, một thời gian nữa thì “bặt vô âm tín. Giờ tôi vẫn nhớ những câu thơ anh ấy viết trong lá thư gửi tôi: Đóa hoa em để trên bàn/ Hoa theo năm tháng thời gian đổi màu/ Tình ta muôn thuở dài lâu/ Nếu không nguyện để kiếp sau làm người”, bà Trần Thị Minh bùi ngùi nhớ lại.
Nhật ký của liệt sĩ Đỗ Đình Xô và nhiều của nhiều liệt sĩ khác đã được in thành sách. |
Cũng trong tâm trạng nhớ người thân, em gái của liệt sĩ Đỗ Đình Xô – bà Đỗ Kim Định kể lại, trước khi ra chiến trận, liệt sĩ Đỗ Đình Xô có gửi gia đình cất giữ cuốn nhật ký. “Sau này, khi anh tôi đi chiến đấu, bố mẹ và chị em tôi thường xuyên mở nhật ký của anh để đọc cho vơi bớt nỗi nhớ anh. Cuốn nhật ký của anh giờ đã hoen vàng, một phần do thời gian, phần khác là vì nước mặt của bố mẹ, chị em tôi và của cả người yêu anh ấy” bà Đỗ Kim Định tâm sự.
Hiện nay, cuốn nhật ký của liệt sĩ Đỗ Đình Xô đã được NXB Quân đội in lại thành sách. Bản gốc của cuốn nhật ký hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
* Xúc động những trang viết
Gian trưng bày khiến nhiều người xem bồi hồi, xúc động khi được bắt gặp những trang nhật ký viết tay, có trang viết đã nhòe mực, có trang còn sắc nét cứ như vừa được viết xong.
Bản gốc của nhiều cuốn nhật ký, lá thư của các liệt sĩ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
Triển lãm chuyên đề “Thư - Nhật ký thời chiến” giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về thư, nhật ký tiêu biểu viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn những tâm tư tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ; tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Triển lãm gồm 2 phần: Thư thời chiến và Nhật ký thời chiến. Những lá thư từ chiến trường gửi hậu phương hay từ hậu phương gửi trở ra chiến trường của các cán bộ, chiến sĩ ngoài tiền tuyến cũng như thân nhân của họ đã ít nhiều mang đến sự rung cảm đặc biệt cho người xem.
Tại triển lãm, người xem có thể bắt gặp những trang nhật ký nổi tiếng của các liệt sĩ đã được in lại thành sách như: Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Đỗ Đình Xô… và rất nhiều trang thư, nhật ký của những liệt sĩ khác như Võ Thị Tần, Lê Thị Riêng, Lê Văn Huỳnh, Phạm Thị Hiền hay nhật ký bằng tranh của liệt sĩ Lê Đức Tuấn…
Lá thư của liệt sĩ Võ Thị Tần Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc viết cho mẹ. |
Bức thư của liệt sĩ Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh khiến nhiều người đọc không khỏi rưng rưng vì tinh thần lạc quan của người chiến sĩ trước những khó khăn, gian khổ. Trong lá thư gửi cho mẹ vào ngày 19-7-1968, chị viết: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.
Những lá thư có khi đã nhòe mực, có trang còn rõ nét |
Trong chiến tranh, có những mối tình vô cùng sâu nặng nhưng khi Tổ quốc cần, người chiến sĩ đã hi sinh tình yêu riêng để chiến đấu vì sự nghiệp chung của dân tộc. Trong bức thư cuối cùng chưa kịp gửi về gia đình, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh nhắn đến người vợ trẻ: “Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh”. Hay những dòng tâm sự trong bức thư duy nhất mà chiến sĩ Khương Thế Hưng gửi cho người yêu mình - bác sĩ Đặng Thùy Trâm: “Sự sống của tình yêu không cần sự có mặt của nhau, dù ở Nam hay Bắc, dù là gần nhau hay xa cách ngàn dặm đường nắng mưa cát bỏng. Ở đâu anh cũng vẫn là anh của 8 năm qua và nhiều năm nữa, để mà yêu em tha thiết. Hãy sống với nhau như 1 người thân yêu nhất trên đời”.
Hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày trong triển lãm “Thư, nhật ký thời chiến” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là tài liệu quý báu, những trang viết “đỏ lửa” thể hiện tinh thần, ý chí cách mạng và tình yêu chan chứa của người chiến sĩ với người thân.
Tại triển lãm, rất nhiều bản gốc của các cuốn nhật ký, trang thư được trưng bày, phần nào giúp người xem thêm hiểu về những hy sinh của các liệt sĩ để đất nước có được cuộc sống thanh bình hôm nay.