Quản lý chất lượng phân bón: Sẽ có bước chuyển?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 26/04/2018

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng...

Cơ quan chức năng xử lý một cơ sở sản xuất phân bón giả. Ảnh: TTXVN


Quản lý lỏng lẻo, thiệt hại lớn

Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại (trung bình mỗi năm là 1.000kg/ha đất sản xuất nông nghiệp), nhưng hiệu quả sử dụng phân bón chỉ đạt từ 45% đến 50%. Hiện cả nước có khoảng 570 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón được cấp phép hoạt động, nhưng chất lượng phân bón cung cấp ra thị trường lại trong tình trạng thật giả, lẫn lộn, gây thiệt hại cho nông dân và cả nguồn thu của ngân sách nhà nước. Sử dụng phân bón giả, kém chất lượng khiến cho mỗi năm Việt Nam thiệt hại từ 2 đến 2,5 tỷ USD.

Trao đổi về những tác hại của việc lạm dụng phân bón, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT) Bùi Huy Hiền cho biết: Sử dụng phân bón hóa học trong thời gian dài làm giảm năng suất cây trồng, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Ngoài hàm lượng dinh dưỡng thấp, trong phân bón giả, kém chất lượng còn có các hợp chất độc hại mà cây trồng không thể hấp thu được, gây thoái hóa đất, ảnh hưởng đến môi trường.

“Sản xuất phân bón ở Việt Nam cơ bản vẫn là hoạt động tự phát, nơi nào làm được, nơi đó cứ làm, chưa có một cuộc "cách mạng" lập lại trật tự thị trường này” - ông Bùi Huy Hiền nói.

Mới đây, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã điều tra tại khoảng 80% tỉnh, thành phố trên cả nước, kết quả có hơn 1.000 cơ sở sản xuất phân bón. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 491 công ty, chi nhánh; tỉnh Long An 42 công ty; TP Hà Nội có 22 công ty; tỉnh Đồng Nai 47 công ty... Qua kiểm tra, đa số các đơn vị sản xuất phân bón bằng công nghệ thô sơ và không có phòng thí nghiệm...

Nói về những yếu kém trong sản xuất, kinh doanh phân bón, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, quyền Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: Hiện nay, việc tổ chức cung ứng phân bón còn chồng chéo, phân bón từ các tỉnh phía Nam đưa ra Bắc, và ngược lại cùng một tên, chủng loại, cùng một hệ số... Hệ thống đại lý quá nhiều, các đại lý ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn tự trang bị xe chuyên dụng để phối trộn phân bón. Thực trạng này cho thấy, việc tổng kiểm tra để lập lại thị trường phân bón là yêu cầu bức thiết.

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết: Trong quý I-2018, thanh tra của Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón của 7 tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra đã phát hiện 1 tổ chức vi phạm quy định về sản xuất, gia công phân bón, đang lập hồ sơ để xử lý.

Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra

Người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là phân bón thật. Ảnh: Bá Hoạt


Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh phân bón lộn xộn, bát nháo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế cũng như môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16-4-2018, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, mức xử phạt cao nhất đối với các tổ chức là 200 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), việc Chính phủ ban hành Nghị định mới về xử phạt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý, răn đe những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.

Tuy nhiên, để xử lý nghiêm được các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, các địa phương cần đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, tuân thủ các quy định về quản lý phân bón trong tất cả các khâu, từ khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh đến sử dụng. Tổ chức lực lượng thanh tra chuyên ngành tổng kiểm tra về chất lượng phân bón đang sản xuất, lưu thông trên thị trường; xử lý triệt để cơ sở sản xuất phân bón không đáp ứng điều kiện theo quy định, đình chỉ các sản phẩm phân bón chưa được công nhận lưu hành.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho rằng, để quy định của Chính phủ đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng các sở, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ cơ sở sản xuất từ khi nhập nguyên liệu đến khi sản phẩm lưu thông ra thị trường.

Đối với những cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, ngoài xử phạt, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tẩy chay; UBND các xã, thị trấn phải giám sát từng cửa hàng kinh doanh phân bón, đánh giá và phân loại để quản lý việc kinh doanh, buôn bán ở những cơ sở này.

Cho rằng Nghị định 55/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón sẽ là thước đo quan trọng để từng bước lập lại trật tự thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị, Bộ NN&PTNT - đơn vị được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý nhà nước, trước mắt cần tổ chức lại mạng lưới sản xuất kinh doanh sản phẩm này cho hợp lý, giảm hệ thống cung ứng trung gian để góp phần giảm giá thành...

Cùng với đó, củng cố, tổ chức lại các trung tâm khảo nghiệm, kiểm định và kiểm chứng, bao gồm cán bộ, máy móc và phương tiện để bảo đảm chức năng của cơ quan khoa học giám định.

“Các bộ, ngành tổng kiểm tra toàn quốc hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, nếu không tổng kiểm tra thì không thể lập lại thị trường phân bón được” - ông Nguyễn Đình Hạc Thúy nói.

Ngọc Quỳnh