Những nỗi đau chưa dứt

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:21, 27/04/2018

(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của bom mìn vẫn để lại những nỗi đau nặng nề, khiến nhiều người mất đi cuộc sống hoặc phải chịu đựng mất người thân, mất một phần thân thể...


Vết thương khó lành


Gần 20 năm trước, như bao người nông dân chất phác khác, ông Nguyễn Đức Dân (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) ngày ngày vác cuốc ra đồng, tối đến sum vầy bên gia đình. Vậy nhưng, vào năm 2000, trong khi đang làm đồng, một vụ nổ từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã khiến ông bị cụt hai bàn tay. Nhiều năm qua, trong giấc ngủ của ông vẫn vang rền tiếng nổ và cũng từng ấy thời gian ông không còn làm được công việc đồng áng giúp vợ con.

Bộ đội công binh trục vớt quả bom nặng 1.350kg ở khu vực cầu Long Biên. Ảnh: Hữu Thu


Cùng cảnh ngộ với ông Dân, tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) nơi từng là “cán xoong” hứng chịu mưa bom, bão pháo trong chiến tranh, vợ chồng ông Lê Kiến chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau do bom mìn gây ra. Cái nghèo, cái khó khiến cha con ông phải đi tìm nhặt phế liệu để bán. Trong một lần tìm kiếm, không may mìn phát nổ, ông bị mất đôi chân và người con trai. Là trụ cột chính trong gia đình nhưng ông Kiến không còn khả năng cáng đáng công việc, cả nhà lâm vào cảnh khó khăn, chưa kể mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại hành hạ.

Đến nay, nhiều người hẳn vẫn chưa thể quên được vụ nổ ngày 19-3-2016 tại cửa hàng thu mua phế liệu ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) do người chủ cửa hàng vô tình mang vật liệu nổ ra vỉa hè để cưa và phát nổ. Vụ nổ ấy khiến gia đình trẻ của chị Nguyễn Thị Lệ ở xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) phải gánh chịu thảm khốc. Sau hai năm sống thực vật với nhiều vết thương nặng, chị Nguyễn Thị Lệ đã qua đời ngày 21-2-2018. Anh Nguyễn Văn Âu - chồng chị Lệ chia sẻ: "Từ khi bị nạn đến lúc qua đời, vợ tôi không nói được câu nào. Thương nhất là con gái 4 tuổi và con trai hơn 20 tháng còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau. Các con không nhận ra mẹ nên mỗi lần lại gần mẹ là chúng khóc và chạy đi"...

Gần đây nhất là vụ nổ xảy ra vào sáng 3-1-2018 tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) khiến 2 cháu bé tử vong, 8 người bị thương. Sức công phá của vụ nổ làm 5 nhà dân gần đó đổ sập, nhiều nhà khác hư hỏng nặng. Nguyên nhân của vụ nổ được xác định là sơ suất trong quá trình lấy phế liệu từ vật liệu nổ.

Theo kết quả điều tra, cả nước hiện còn 49/63 tỉnh, thành phố có tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra; hơn 104 nghìn người chết, bị thương do tai nạn bom, mìn. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ là do việc tìm kiếm phế liệu chiếm 31,19%, chơi đùa nghịch chiếm 27,55%, trồng trọt, chăn nuôi chiếm 20,34% số vụ tai nạn. Nạn nhân của bom mìn chủ yếu là người trong độ tuổi lao động và trẻ em. Có nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các địa phương đã bị ảnh hưởng và tăng chi phí bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ tỉ lệ khác nhau. Trong đó, tỉnh Quảng Trị có diện tích đất đai bị ô nhiễm lớn nhất (81,36%). Các loại bom mìn, vật nổ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam rất đa dạng với hàng trăm loại bom mìn được phát hiện như: Bom phá, bom bi, đạn pháo, đạn cối, mìn và các loại vật nổ khác...

Chung tay khắc phục


Mặc cho trời mưa rét hơn 10 độ C trong những ngày đầu tháng 12-2017, cán bộ, chiến sĩ công binh của Bộ Tư lệnh Thủ đô vẫn ngâm mình dưới sông, lấm lem bùn đất để đưa lên bờ quả tên lửa (nặng khoảng 300kg) an toàn trong niềm vui của nhân dân xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất). Đại tá Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng phòng Công binh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: "Sau hàng chục năm bị vùi lấp, các loại bom mìn, vật nổ thường biến dạng, rất khó phân biệt vị trí ngòi nổ, do vậy sự nguy hiểm càng cao. Vì thế, ngay khi nhận được tin người dân xã Cần Kiệm phát hiện một quả tên lửa dưới lòng sông Tích, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) và Quân chủng Phòng không - Không quân lập tức về địa phương khảo sát thực tế, xây dựng phương án xử lý. Trước đó, vào chiều 28-11-2017, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn cũng đã trục vớt, xử lý thành công quả bom nặng 1.350kg nằm dưới sông Hồng, gần trụ cầu Long Biên".

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam khẳng định: Những năm qua, Chính phủ đã triển khai đồng thời nhiều nhóm giải pháp để thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Điển hình như: Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý và triển khai Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; nhóm giải pháp về huy động nguồn lực; nhóm giải pháp về thực hiện rà phá bom mìn; nhóm giải pháp về tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và nhóm giải pháp về triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân. Bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã rà phá bom mìn được 1.100ha đất tại Hà Tĩnh và 32.200ha tại Quảng Trị. Năm 2018 sẽ triển khai tại Quảng Bình và Bình Định bằng vốn viện trợ của chính phủ Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết: Đến nay, 100% nạn nhân bom mìn đã được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề...

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn nhưng tính đến tháng 12-2017, nước ta còn trên 6,1 triệu héc ta đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm 18,71% diện tích cả nước. Dự kiến, với tốc độ rà phá như hiện nay thì hơn 100 năm nữa, Việt Nam mới có thể khắc phục hết. Ngoài sự nỗ lực của chính phủ, các tổ chức quốc tế trong việc hồi sinh những "vùng đất chết", rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Mặt khác, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, tránh xa bom mìn, vật nổ, không tự ý rà phá, mua bán để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng.

Hiền Phương