Tạo động lực để vùng ngoại thành phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:16, 27/04/2018

(HNM) - Xây dựng nông thôn mới, bên cạnh quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn..., việc giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa đang tạo ra động lực, bản sắc riêng cho mỗi vùng quê ngoại thành Hà Nội ngày càng phát triển giàu đẹp hơn.

Xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) làm tốt việc nuôi trồng thủy sản trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt


Tiếp lửa truyền thống

Xã Trầm Lộng nằm ở vị trí trung tâm của Khu Cháy (huyện Ứng Hòa). Trong thời kỳ trước cách mạng tháng Tám 1945 và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trầm Lộng là căn cứ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ và là khu du kích kiên cường của tỉnh Hà Đông (cũ), là nơi trú quân để củng cố lực lượng của các tổ chức Đảng, đơn vị lực lượng vũ trang, đoàn thể địa phương... Nơi đây, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Thị Minh Châu, Bạch Thành Phong và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Xứ ủy Bắc Kỳ và Tỉnh ủy Hà Đông (cũ) từng hoạt động xây dựng phong trào và lãnh đạo cách mạng. Nhiều gia đình ở Trầm Lộng và các xã lân cận đã vượt qua khó khăn, gian khổ đón nhận, bảo vệ, chăm sóc cho cán bộ, trở thành địa chỉ đỏ của địa danh cách mạng nổi tiếng này.

Ngày nay, phát huy truyền thống của quê hương, xã Trầm Lộng đang vươn lên phát triển kinh tế. Bí thư Đảng ủy xã Trầm Lộng Tạ Quang Huy cho biết, xã có 500ha đất nông nghiệp, trong đó 300ha đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế cao. Hiện Trầm Lộng đang hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) gắn với địa chỉ lịch sử “Nhà lưu niệm Bác Hồ” - nơi Bác Hồ từng sống và làm việc. Chị Nguyễn Thị Lũy là hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Đình Khuê - chủ nhân ngôi nhà nơi Bác Hồ về sống và làm việc khi xưa (nay là Nhà lưu niệm Bác Hồ) cho biết, theo ông bà chị kể lại, vào đầu năm 1947, trên đường lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo cách mạng, Bác Hồ và một số đồng chí cán bộ trung ương đã về ở và làm việc tại đây. Suốt 70 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ về sống và làm việc ở đây, cán bộ, nhân dân Cần Kiệm luôn nâng niu, gìn giữ những kỷ vật về Bác với một niềm vinh dự, tự hào to lớn. Truyền thống cách mạng đã tiếp lửa cho nhân dân trong xã triển khai và đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Năm 2015, xã Cần Kiệm đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2017, nhân dân các thôn của xã Cần Kiệm tiếp tục tham gia hiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất thổ cư để địa phương triển khai mở rộng đường giao thông nông thôn.

Tại huyện Phúc Thọ, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hiến, gắn với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Tinh thần khởi nghĩa Hai Bà Trưng đang được huyện Phúc Thọ nhân lên thành động lực mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới… Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, đến hết năm 2017, huyện Phúc Thọ đã có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu đến hết năm 2018 hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 22/22 xã và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới.

Khơi dậy niềm tự hào

Truyền thống lịch sử đã và đang tiếp lửa cho các địa phương đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Theo Bí thư Đảng ủy xã Trầm Lộng Tạ Quang Huy, hiện nay xã đã có 1 doanh nghiệp đầu tư khu nhà học tập trải nghiệm "Nhà Diều" gắn sản xuất nông nghiệp với mô hình thu hút trải nghiệm nông nghiệp cho học sinh, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Tuy vậy, để phát huy giá trị của vùng quê cách mạng, xã Trầm Lộng mong muốn thành phố quan tâm đầu tư quần thể di tích lịch sử kháng chiến An toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ mang tầm cỡ quốc gia. “Công trình hoàn thành vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống quê hương vừa gắn với phát triển du lịch, tham quan, trải nghiệm, phát triển kinh tế” - ông Huy nói.

Hay như tại xã Cần Kiệm, triển khai dự án hỗ trợ cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn, nhân dân đã bàn bạc, thống nhất, hộ gia đình có đất mặt đường thì hiến đất, hộ gia đình không hiến đất thì góp tiền hỗ trợ các hộ gia đình hiến đất dựng lại công trình để mở rộng các tuyến đường. Đến nay, những con đường mới ở Cần Kiệm đã được triển khai, hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương…
Với Phúc Thọ, phát huy truyền thống cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, huyện đang xây dựng Đề án “Phát huy tinh thần độc lập, tự cường của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Phúc Thọ quyết tâm vươn lên, xây dựng quê hương giàu đẹp - văn minh”...

Nông thôn Hà Nội là nơi giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy những di sản quý giá đó để tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Mới đây, khi kiểm tra Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" tại huyện Ứng Hòa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương huyện Ứng Hòa đã khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa An toàn khu, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp cho học sinh. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mong địa phương này tiếp tục phát huy truyền thống, thế mạnh để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hiện đại hơn.

Nguyễn Mai