Xây dựng chợ theo hướng thân thiện, hiện đại

Kinh tế - Ngày đăng : 15:35, 27/04/2018

Nhếch nhác, tạm bợ, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, không bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... là thực trạng hiện nay của nhiều khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội.


Hạ tầng xuống cấp

Dạo một vòng qua các khu chợ tại Hà Nội như chợ Xanh, chợ Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình), chợ Đền Lừ (quận Hoàng Mai)… không khó để thấy những hình ảnh nhếch nhác. Những khu chợ này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn ẩn giấu hiểm họa cháy nổ bất kỳ lúc nào.

Tại chợ Xanh - khu chợ nổi tiếng gần với các trường đại học như Đại học Quốc Gia, Đại học Sư phạm… lúc nào cũng tấp nập khách ra vào từ sáng tới tối, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Bên trong chợ, các gian hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm… mọc lên san sát, chỉ chừa đúng một lối đi nhỏ cho khách vào trong xem đồ, trên đầu quần áo chăng đầy như mạng nhện. Nếu không may xảy ra cháy nổ, thì người bán hàng và khách mua khó có thể chạy thoát khỏi “mê cung” này.


Theo Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, quản lý kinh doanh khai thác chợ của Trung ương, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ đã được UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thời gian qua đã phát sinh nhiều khó khăn như các chợ vùng nông thôn, chợ xây dựng lán tạm, chợ họp theo phiên, nhu cầu phục vụ thấp, số hộ kinh doanh ít…, nên rất khó kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư để chuyển đổi mô hình quản lý.

Đối với các chợ đã chuyển đổi, do hiệu quả đầu tư không cao nên công tác cải tạo, duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên, khiến hạ tầng chợ xuống cấp không bảo đảm. Thêm vào đó, tâm lý lo lắng của các hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, mức giá thuê địa điểm và các khoản thu khác sẽ bị tăng cao… nên không muốn chuyển đổi mô hình quản lý. Thực tế đó dẫn đến tình trạng một số chợ sắp chuyển đổi, đang chuyển đổi hoặc đã chuyển đổi xảy ra khiếu kiện không thực hiện được.

Lý do thất bại thì có nhiều nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư thường quan tâm khai thác tối đa lợi thế thị trường để đạt lợi ích cao nhất, bố trí không gian giao dịch chợ truyền thống xuống tầng hầm hoặc áp đặt mức thu phí lên các tiểu thương mà không có sự thỏa thuận thống nhất với nhau, khiến điều kiện kinh doanh trong chợ ngày càng mất đi sự hấp dẫn, thân thiện. Các mặt hàng kinh doanh trong chợ vì thế mà không được chú trọng đến chất lượng, thiếu đa dạng về chủng loại khiến người dân ngày càng ít đến chợ.

Vì vậy, việc tìm giải pháp khả thi nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố đạt các mục tiêu văn minh, hiện đại, đồng thời tạo điểm nhấn kiến trúc, điểm mua bán bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ là yêu cầu cấp bách của TP Hà Nội. Để đạt mục tiêu này, cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, trong đó không thể thiếu được vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp.

Giải pháp khả thi

Dựa trên kết quả khảo sát thực tế, phân tích các đề xuất, giải pháp, lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, nghiên cứu mô hình, phương thức tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện có nhiều nhóm giải pháp nhằm giải quyết vấn đề cải tạo chợ cũ trên địa bàn Hà Nội đang ách tắc, trì trệ.

Trong đó, đáng chú ý là hệ thống chợ sau khi được xây mới, cải tạo nâng cấp phải hướng tới chợ là điểm giao thương kinh tế phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô bảo đảm văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, chợ phải đáp ứng tiêu chí là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm văn hóa địa phương với nhiều điểm nhấn về kiến trúc và văn hóa…

Đáp ứng yêu cầu này, Dự án đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ trên địa bàn thành phố theo đề xuất của Liên danh nhà đầu tư gồm 3 Công ty: Công ty CP Tập đoàn AMACCAO; Công ty cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành đang được TP Hà Nội chấp thuận triển khai.

Theo đại diện Liên danh nhà đầu tư, với công nghệ xây dựng chợ mới mà nhiều nước tiên tiến đang áp dụng, chỉ trong thời gian rất ngắn từ 50 đến 90 ngày (kể từ khi được bàn giao với mặt bằng rộng hàng chục nghìn m2), việc thi công móng, thi công lắp dựng các tầng cho đến hoàn thiện, lắp đặt thiết bị, phòng cháy chữa cháy sẽ được hoàn thành, bảo đảm các hạng mục từ hệ thống phòng cháy, chữa cháy; lắp điện, cấp thoát nước, sân đường giao thông và cây xanh… được hoàn thiện đồng bộ.

Cụ thể, thi công tầng 1 áp dụng công nghệ bê tông dự ứng lực tiền chế lắp ghép kết hợp với vữa tự chèn kết dính nhanh trong thời gian 120-160 phút. Với công nghệ này, nhà đầu tư chỉ thi công tầng 1 (với diện tích khoảng 10.000m2) trong vòng 10-15 ngày.

Các hạng mục khác như phòng cháy chữa cháy, lắp điện, cấp thoát nước, sân đường giao thông và cây xanh xử lý thu dọn rác thải, vệ sinh môi trường sẽ được chú trọng ngay từ bước lập quy hoạch đến khi đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, văn minh. Từ đó tạo môi trường cảnh quan hấp dẫn thu hút hoạt động kinh doanh, cũng như xây dựng chợ thành điểm giao lưu văn hóa, điểm đến du lịch của khách tham quan.

Về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà đầu tư sẽ tập trung đào tạo, nâng cao ý thức và chuyên môn cho cán bộ quản lý chợ và các tiểu thương trong việc kinh doanh buôn bán các mặt hàng thực phẩm. Đồng thời, các chợ sẽ kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra định kỳ thường xuyên với các mặt hàng thực phẩm kinh doanh trong chợ; tổ chức thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ đối với các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ tăng cường kiểm dịch, cung cấp đầy đủ, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận an toàn của các loại thực phẩm kinh doanh trong chợ.

Đáng chú ý, giải pháp này còn bảo đảm tối đa lợi ích của các tiểu thương như không phải thay đổi vị trí kinh doanh tại tầng 1; mức giá thu theo đúng quy định của Nhà nước (áp dụng trên địa bàn); bảo đảm thời gian dừng hoạt động chợ ngắn nhất (từ 50 đến 90 ngày) và dựa theo quy định của nhà nước sẽ đền bù thỏa đáng thiệt hại trong thời gian tạm dừng kinh doanh cho tiểu thương để họ chấp nhận điều kiện di dời tạm thời.

Lộ trình tăng giá cũng được thực hiện theo quy định của thành phố và nhà nước. Cùng với các giải pháp kiến trúc, dự án được định hướng theo yêu cầu tự động hóa cao; ứng dụng công nghệ cao trong quản lý vận hành hoạt động, đồng thời có các điểm giao dịch cho loại hình kinh doanh online như trưng bày, giao dịch, phân loại, đóng gói và kho.

Đánh giá cao tính khả thi của Dự án, Giám đốc Lê Hồng Thăng nêu rõ, đề xuất thực hiện đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội của Liên danh nhà đầu tư là cần thiết, bảo đảm các quy định pháp luật hiện hành về quản lý và phát triển chợ.

Nhờ đó sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống chợ trong thời gian qua, cũng như đáp ứng được mục tiêu phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững của Thành phố.

Sở Công Thương và liên ngành thống nhất đề nghị Liên danh đề xuất các chợ xây dựng mới đề xuất thực hiện thí điểm lập thành 01 dự án, bổ sung các chợ có nhu cầu cấp bách đầu tư tại huyện Sóc Sơn gồm: Chợ Nam Sơn (xã Nam Sơn), chợ Tân Hưng (xã Tân Hưng), chợ Việt Long (xã Việt Long), chợ Đức Hòa (xã Đức Hòa), chợ Kim Lũ (xã Kim Lũ). Đây là các chợ đã có chỉ đạo của UBND Thành phố phục vụ 7 xã nghèo của huyện Sóc Sơn làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Thanh Hiền