Điểm nhấn từ tuyến đê kiểu mẫu
Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 28/04/2018
Chạy qua 5 phường của quận Hoàng Mai, với tổng chiều dài 8,4km, đê hữu Hồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chống lũ, bảo vệ nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm trước, tuyến đê bị người dân chiếm dụng để trồng rau, dựng biển quảng cáo, tập kết cát sỏi, đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, nuôi chó, gà… Thực trạng trên không chỉ khiến tuyến đê tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong chống lũ mà còn gây ô nhiễm, xấu cảnh quan môi trường…
Tuyến đê kiểu mẫu ở phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai). Ảnh: Kim Văn |
Trong tình cảnh đó, với hơn 2km đê hữu Hồng chạy qua, phường Thanh Trì bị coi là địa bàn trọng điểm về vi phạm công trình đê điều, ô nhiễm môi trường của quận Hoàng Mai. Ông Bùi Văn Nguyện, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Trì cho biết: Phường có 29 tổ dân phố, 50 cơ quan, đơn vị xây dựng công trình nhà ở, trụ sở, xưởng sản xuất dọc hai bên tuyến đê. Đặc biệt, có 5 tổ dân phố có công trình nhà ở hướng về phía Tây. Để chống nắng, khói bụi, nhiều gia đình đã san gạt mái đê để trồng rau màu, đặt chậu cây cảnh…
Để bảo đảm an toàn đê điều, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, quận Hoàng Mai chỉ đạo 5 phường có tuyến đê chạy qua kiên quyết xử lý vi phạm, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu do Bộ NN&PTNT phát động. Là đơn vị tiên phong trong phong trào này, phường Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch duy tu, duy trì, chỉnh trang mái đê; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo và mời lãnh đạo Hạt Quản lý đê số 3 cùng tham gia. Để tạo đồng thuận, phường tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân về kế hoạch xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Trong những cuộc họp đầu tiên, nhiều ý kiến cho rằng việc chỉnh trang tuyến đê, chống đổ trộm rác thải, phế thải… là trách nhiệm của Nhà nước. Hoặc Nhà nước nên chuyển phần kinh phí hỗ trợ nếu nhân dân đảm nhận việc duy trì làm sạch cỏ mái đê.
Trước những ý kiến trên, lãnh đạo phường Thanh Trì đã kiên trì giải thích bằng các quy định của pháp luật về trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi đã hiểu rõ, nhân dân tự nguyện tháo dỡ mái che, mái vẩy, phá bỏ bục bệ, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công xây dựng đường hành lang chân đê. Một số gia đình, doanh nghiệp còn tự nguyện hỗ trợ phương tiện vận chuyển rác thải thu dọn từ mái đê. Khi có mặt bằng, Hạt Quản lý đê số 3 hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và chọn loại cây được phép trồng trên mái đê; còn các đoàn thể, hội của phường nhận trách nhiệm trồng và chăm sóc cây.
Ông Nguyễn Xuân Hóa ở phường Thanh Trì cho biết: "Trước đây, đoạn đê này không khác gì bãi chứa rác, cây cối mọc cao đến cả mét. Vì thế nhiều gia đình đã phải bán nhà, chuyển đến nơi ở khác. Từ khi đê được trồng hoa, hiện tượng vứt rác, đặt vật dụng lên mái đê không còn; cảnh quan sạch đẹp, thoáng đãng khiến giá trị đất dọc tuyến đê này tăng lên rất nhiều".
Không đứng ngoài cuộc, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường Thanh Trì cũng tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu của địa phương. Bà Lê Thị Tuyết, đại diện Công ty cổ phần Kinh doanh, xuất nhập khẩu Gia Ân cho biết: "Công ty đã đề nghị địa phương cho phép đảm nhận trồng và chăm sóc gần 3.000m2 mặt đê. Ngoài việc đầu tư hơn 1 tỷ đồng phát quang cỏ dại, thu dọn rác, trồng các loại hoa, chúng tôi giao 6 tổ sản xuất luân phiên chăm sóc, vệ sinh tuyến đê hằng tuần".
Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Nguyễn Bách Lợi, hiệu quả của phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu không chỉ nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai mà còn tạo điểm nhấn cảnh quan môi trường. Hiện nay, quận đã chỉ đạo 4 phường có đê: Vĩnh Hưng, Trần Phú, Lĩnh Nam, Yên Sở đến học tập kinh nghiệm xây dựng tuyến đê kiểu mẫu ở phường Thanh Trì; đồng thời, đặt mục tiêu đến tháng 10 năm nay, toàn bộ 8,4km đê hữu Hồng sẽ được phủ kín hoa, cỏ, tạo trục cảnh quan xanh, sạch, đẹp…