Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Singapore đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:29, 28/04/2018
Chiều 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi đối thoại với 15 vị Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Singapore đang và chuẩn bị triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Cuộc đối thoại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng Liên hiệp Doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Singapore đang đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Thông tin đến các doanh nghiệp Singapore về tính ưu việt khi đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam cam kết giữ vững ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất theo các chuẩn mực quốc tế, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics, chi phí cơ hội và chi phí hành chính, xây dựng môi trường - chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, có tính dự báo cao, minh bạch và trách nhiệm giải trình với cộng đồng kinh doanh. Thủ tướng nhấn mạnh trong quản lý, điều hành, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao các cơ chế đối thoại chính sách để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Singapore, qua đó, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần vào thành quả thu hút FDI từ Singapore.
Lãnh đạo các tập đoàn, công ty Singapore tham dự đối thoại đều đánh giá cao những kết quả vượt bậc của Việt Nam trong phát triển kinh tế, nhất là tư duy đổi mới, sáng tạo trong xây dựng chính sách và thực hiện thành công những chính sách được ban hành; cam kết sẽ mang những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất trên thế giới đến với các dự án sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Đánh giá cao các góp ý về chính sách, thể chế tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Đoàn cấp cao Việt Nam cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của lãnh đạo các tập đoàn, công ty Singapore về chính sách, chủ trương của Chính phủ trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
* Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Neil McGregor - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore) - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong các hoạt động đầu tư với 9 dự án khu công nghiệp VSIP thành công tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thủ tướng mong muốn Sembcorp đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai một số dự án ở Việt Nam còn đang ở trong tình trạng chậm trễ, nhất là các khâu giải phóng mặt bằng; đề nghị Sembcorp mở rộng các khu VSIP tại các tỉnh miền Nam Việt Nam, tận dụng nguồn lực đất đai để đem lại lợi ích về kinh tế.
* Sáng 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham quan Cảng biển PSA và thăm Supply Chain City thuộc Tập đoàn YCH Group, chuỗi cung ứng các dịch vụ logistics và các giải pháp đô thị, cung cấp dịch vụ hậu cần thông minh. Tham quan mô hình quản lý, vận hành cảng biển này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ấn tượng về quy trình xử lý, vận hành và việc ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến của cảng. Thủ tướng mong muốn PSA chia sẻ kinh nghiệm quý, hợp tác để nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống cảng biển của Việt Nam.
* Chiều 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Đại học Quản lý Singapore (SMU) - một trong những cơ sở hàng đầu về hỗ trợ khởi nghiệp tại Singapore. Tại đây, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, SMU và Quỹ Đầu tư Vina Capital ký kết văn kiện hợp tác về việc thiết lập Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh; SMU, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cũng đã ký kết văn bản hợp tác trong việc nghiên cứu và báo cáo hệ thống khởi nghiệp tại Việt Nam.
* Tiếp tục các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32, sáng 27-4, tại Singapore, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ quan điểm của Việt Nam đối với các sáng kiến mới ở khu vực, khẳng định ASEAN cần chủ động, tích cực trong cách tiếp cận, hoan nghênh các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trên cơ sở tôn trọng vai trò trung tâm và các nguyên tắc cơ bản của ASEAN.
* Tiếp theo Hội nghị AMM, chiều 27-4, tại Singapore, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng đoàn Việt Nam dự các hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 17 và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 21.
Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore, chiều 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao đồng thời tích cực triển khai các cơ chế hợp tác, trong đó có hợp tác ứng phó sự cố tràn dầu và tìm kiếm cứu nạn trên biển, quản lý môi trường biển bền vững, đẩy mạnh hợp tác nghề cá, phòng chống khủng bố, hợp tác an ninh - quốc phòng... Tổng thống Philippines hoan nghênh các đề nghị của phía Việt Nam và bày tỏ Philippines sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên có thể bổ sung cho nhau. Tổng thống đánh giá cao chất lượng gạo của Việt Nam, mong muốn hai nước sẽ tiếp tục hợp tác về gạo và Việt Nam là nguồn cung cấp gạo ổn định và lâu dài cho Philippines. Hai bên chia sẻ các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có hợp tác trong ASEAN, các vấn đề an ninh khu vực như Biển Đông, chống tội phạm trên biển... Hai bên chia sẻ tình hình hiện nay trên Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; khẳng định nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc. |