Chương mới trong quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ
Thế giới - Ngày đăng : 07:31, 29/04/2018
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức. |
Một chuyến thăm tới Trung Quốc của nhà lãnh đạo Ấn Độ đã được giới quan sát mong đợi từ lâu, trước tình trạng đối đầu trực diện xảy ra giữa năm 2017 quanh khu vực cao nguyên Doklam mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng. Căng thẳng vẫn tiếp diễn khi lực lượng không quân Ấn Độ hoàn tất cuộc diễn tập tác chiến lớn nhất dọc đường biên giới giữa nước này với Trung Quốc và Pakistan.
Tại cuộc họp của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra hồi đầu tuần, Ấn Độ là nước duy nhất không thể hiện sự ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành nhiều tâm huyết. Trong năm 2016, khi Ấn Độ theo đuổi tư cách thành viên tại Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), cũng đã bị Trung Quốc từ chối ủng hộ. Tuy nhiên, trong các vấn đề quốc tế, Bắc Kinh và New Delhi chia sẻ nhiều điểm tương đồng hơn, đặc biệt là quản trị toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Thông báo bất ngờ về cuộc gặp chưa từng có giữa hai nhà lãnh đạo được đưa ra ngay sau chuyến đi của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tới Trung Quốc để gặp gỡ người đồng cấp Vương Nghị tuần trước. Tuy là cuộc gặp không chính thức và hai nhà lãnh đạo tuyên bố chỉ bàn về các vấn đề quốc tế, song sự kiện này vẫn được đánh giá là tạo tác động tích cực trong việc hóa giải vướng mắc, đồng thời bảo đảm quan hệ đối tác ổn định trong tương lai.
Trong khi Trung Quốc đang phải đối phó với những căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ thì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cần đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới. Trước đó, trong một dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ đang cố gắng hàn gắn rạn nứt là vào tháng 2 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ công khai ra lệnh cho các quan chức nước này tránh xa những sự kiện có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ với "người hàng xóm" Trung Quốc.
Tại cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đều tránh đề cập tới những tranh cãi về lãnh thổ và nhất trí nên nhìn vào mối quan hệ song phương từ góc độ chiến lược và tích cực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ đã mở ra một chương mới tốt đẹp cho mối quan hệ hai nước, đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục có các cuộc trao đổi chi tiết và cởi mở, bảo đảm đưa mối quan hệ này bước vào giai đoạn mới tốt đẹp.
Chia sẻ về những căng thẳng thương mại thời gian qua, nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức đều cần bị loại bỏ và ủng hộ một nền kinh tế toàn cầu hóa, cởi mở, hội nhập và công bằng. Thủ tướng Ấn Độ cũng đề nghị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tiếp theo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019 tại Ấn Độ.
Chiếm hơn 1/4 tổng dân số thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ là hai trụ cột quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu. Mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng được đánh giá là sẽ tác động không nhỏ tới bức tranh chung, khi ảnh hưởng của cả hai quốc gia này tại khu vực và trên thế giới đang ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nhận định, hai nước không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi tình bạn vĩnh cửu và hợp tác cùng có lợi vì sự phát triển chung. Bởi vậy, cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai bên đặt trong các nỗ lực tăng cường đối thoại luôn là tín hiệu tích cực để hóa giải những vướng mắc, trước những diễn biến khó lường của tình hình quốc tế.