Những dấu ấn rất riêng
Thể thao - Ngày đăng : 07:54, 30/04/2018
- Ông đánh giá thế nào về công tác tổ chức Cuộc đua năm 2018?
- Đây là lần thứ 30 HTV tổ chức Cuộc đua giàu truyền thống này. Khởi hành từ ngày 29-3, đoàn đua xuất phát từ Lạng Sơn qua Hà Nội, rồi từ Thủ đô nghìn năm văn hiến, đoàn đua tiếp tục lộ trình xuyên Việt quen thuộc qua Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa... sau cùng là về TP Hồ Chí Minh.
Khó có thể kể hết sự xúc động của chúng tôi khi theo sát hành trình của đoàn đua từ Lạng Sơn đến Đất Mũi Cà Mau. Đến đâu, đoàn đua cũng được người dân địa phương chào đón nồng nhiệt. Sự đổi mới, phát triển của từng vùng miền cũng được thể hiện rõ qua từng khung hình gắn với hành trình của đoàn đua...
- Có thể coi hành trình của kỳ giải 30 chính là "hành trình của những kỷ lục", thưa ông?
- Chưa có cuộc đua nào trên thế giới có lộ trình đến 30 chặng như cuộc này. Tổng chiều dài đường đua là 3.267km, chỉ thua cuộc đua nổi tiếng Tour de France (Vòng quanh nước Pháp) vỏn vẹn 160km. Khi chúng tôi lên kế hoạch tổ chức 30 chặng gắn với mốc son 30 năm của giải đấu, ngay các nhà chuyên môn cũng e ngại các cua rơ Việt Nam khó có thể chịu được khối lượng, cường độ thi đấu lớn như vậy.
Nhưng thực tế đã chứng tỏ họ thật tuyệt vời, và công tác tập huấn cho cuộc đua của các câu lạc bộ rất chu đáo. Khởi hành với 78 vận động viên, chúng ta có 71 cua rơ hoàn thành trọn vẹn hành trình. Có 7 cua rơ nghỉ giữa chừng chủ yếu do chấn thương, chứ không phải vì yếu mà bỏ cuộc. Đó là điều những nhà tổ chức và người làm nghề tâm đắc nhất.
Tuy có đến phân nửa tổng số cua rơ dự giải là các gương mặt trẻ, nhưng họ thi đấu rất tốt, không thua kém đàn anh. Kỳ giải năm nay có rất nhiều kỷ lục chuyên môn được thiết lập. Tốc độ thi đấu nhiều chặng cao, có những chặng đạt tốc độ trung bình 51km/giờ.
Đơn cử như chặng Vinh - Đồng Hới dài 200km qua Đèo Ngang, các cua rơ về sớm hơn kỳ giải trước đến... 30 phút. Điều đó cho thấy trình độ chuyên môn của xe đạp thể thao Việt Nam được nâng lên rất nhiều, và chúng ta đang có lực lượng kế thừa rất tốt. Chất lượng chuyên môn của giải cũng tăng rõ rệt, và đó là điều đáng mừng cho xe đạp Việt Nam.
- Tổ chức một cuộc đua xuyên Việt dài ngày với yêu cầu bảo đảm an toàn, tính toán thành tích chính xác là việc không đơn giản. Ông có thể chia sẻ đôi điều về công tác điều hành giải đấu?
- Đoàn đua gồm 78 cua rơ, nhưng đội ngũ đi theo phục vụ lên đến hơn 400 người, trong đó có 75 thành viên đội mô tô làm công tác bảo vệ lộ trình, 20 trọng tài quốc gia phải làm việc cật lực để xác định thứ hạng ngay sau từng chặng, kịp làm công tác trao giải ở vạch đích.
Đặc biệt, phải kể đến sự vào cuộc nhiệt tình của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an và lực lượng y tế, sự phối hợp của các Sở VH-TT, Sở VH,TT&DL các địa phương... Tất cả như những chiến binh dầm mưa dãi nắng "vượt nắng, vượt gió, vượt những cơn mưa rào", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Hành trình 30 năm thực sự là hành trình bền bỉ, trong đó, mỗi năm lại phải tìm kiếm thêm sự mới mẻ. Theo ông, dấu ấn kỳ giải 30 là gì?
- Dấu ấn bao trùm chính là việc đưa hoạt động giải trí gắn bó cùng hoạt động thi đấu thể thao để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Để đón đoàn đua về đến TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tổ chức những hoạt động mang đậm chất lễ hội carnival trên cung đường chào đón đoàn.
Nhiều chặng trước đó cũng có các chương trình vui hội như vậy, nhằm gắn kết giữa giải trí và thi đấu thể thao. Bởi tôi nghĩ người dân địa phương chờ đón đoàn đua cả tiếng đồng hồ, nếu chỉ hưởng thụ được 5 phút về đích - "ào cái là hết" thì phụ lòng bà con quá. Chương trình kết hợp như vậy thực sự tạo nên không khí lễ hội, vô cùng giá trị.
Một dấu ấn đặc biệt, đó là kỳ này, HTV đã thực hiện truyền hình trực tiếp tới... 21 chặng đua đường trường - một việc ngỡ như không tưởng! Hơn 200 thành viên của HTV đã chung tay nhập cuộc, sử dụng công nghệ hiện đại để làm nên những cảnh quay mượt mà, ghi lại không chỉ hành trình thi đấu mà cả những cung đường, cảnh đẹp tuyệt vời suốt dọc dài đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!