Nỗ lực thu hẹp bất đồng

Thế giới - Ngày đăng : 07:09, 30/04/2018

(HNM) - Chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành khách mời của Nhà Trắng. Đúng như nhận định của giới phân tích, chuyến công du thứ hai của người đứng đầu Chính phủ Đức trong hơn một năm kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức đã diễn ra không mấy dễ dàng.


Trên thực tế, quan hệ giữa Washington và Berlin đã xấu đi đáng kể dưới thời Tổng thống D.Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ trích chính sách thương mại của Đức, cho rằng điều đó khiến Mỹ phải gánh một khoản thâm hụt thương mại lớn trong quan hệ kinh tế song phương. Người đứng đầu nước Mỹ cũng luôn bảo vệ quan điểm Đức cần tăng chi tiêu quốc phòng, bởi mức chi chỉ 1,2% GDP cho vũ trang của Berlin thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, Mỹ thường xuyên chỉ trích sự hợp tác của Đức với Nga trong dự án xây dựng đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương Bắc”...

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng A.Merkel chưa tìm được đồng thuận trong nhiều vấn đề giữa hai bên.


Ngược lại, chính quyền của Thủ tướng A.Merkel nhiều lần công khai thể hiện sự bất đồng với chính sách của Tổng thống D.Trump trong nhiều vấn đề, từ việc đe dọa sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên, tăng cường trừng phạt Nga đến tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Thủ tướng A.Merkel nhiều lần khẳng định Đức ủng hộ tự do thương mại và phản đối quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng về việc coi thương mại toàn cầu là sàn đấu mang tính thắng thua. Vào ngày 1-5, mức thuế mới của Mỹ đánh vào mặt hàng nhôm thép xuất khẩu của Châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn đến một loạt biện pháp trả đũa từ Liên minh Châu Âu (EU) và có thể làm bùng phát một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Vì vậy, nỗ lực tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khác biệt, nhất là thương mại, được ưu tiên trong các thảo luận giữa lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, trong suốt hội đàm, hai bên đã không thể có được bảo đảm về bất cứ vấn đề nào. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng A.Merkel chỉ khẳng định mọi quyết định về vấn đề thương mại sẽ tùy thuộc vào Tổng thống D.Trump. Điểm sáng hiếm hoi là việc người đứng đầu nước Mỹ cam kết sẽ hợp tác với Thủ tướng Đức trong việc giảm rào cản đối với hàng xuất khẩu Mỹ để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Trong khi đó, đối với hồ sơ Iran, giống như Tổng thống Pháp E.Macron hồi đầu tuần, Thủ tướng A.Merkel đã tìm cách thuyết phục Tổng thống D.Trump rằng thỏa thuận hạt nhân với nước Cộng hòa Hồi giáo là "hòn đá tảng" cho một văn kiện lâu dài và rộng lớn hơn liên quan đến Iran. Thế nhưng, ông chủ Nhà Trắng không thể hiện thái độ sẵn sàng thỏa hiệp hay có kế hoạch thay thế, thậm chí không xác nhận loại trừ giải pháp quân sự dù tin rằng Iran sẽ không thể có vũ khí hạt nhân. Trước đó, Tổng thống D.Trump từng đặt ra thời hạn chót vào ngày 12-5 để các nước Châu Âu bổ sung những điều khoản mới liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Tehran, động thái mà theo EU là "phi thực tế, nguy hiểm và không cần thiết".

Nhìn chung, chuyến thăm Mỹ lần này của người đứng đầu Chính phủ Đức tuy chưa đem lại kết quả như mong đợi trong một số vấn đề còn bất đồng nhưng giới phân tích cho rằng, những trao đổi tại Washington là cơ sở để hai nước tiếp tục tìm cách hàn gắn mối quan hệ đang có ít nhiều rạn nứt. Bởi lẽ, Mỹ chắc chắn vẫn rất cần Đức với vai trò một trong những đối tác gần gũi nhất tại Châu Âu và là một đồng minh vững chắc trong NATO. Trong khi đó, Đức qua nhiều thông điệp đưa ra vẫn luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy mối quan hệ truyền thống xuyên Đại Tây Dương.

Hoàng Linh