Lao kê là gì?
Xã hội - Ngày đăng : 22:44, 17/04/2005
"Tôi có 1 cháu trai 4 tuổi, cách đây khoảng 1 tháng hay sốt vào buổi chiều và tối, mỗi khi sốt là tím tái, khó thở. Bác sĩ cho biết cháu bị lao kê. Vậy lao kê là gì và cách điều trị ra sao?".
Trả lời:
Vi khuẩn gây lao kê là trực khuẩn lao BK. Từ những tổn thương ở phổi, ngoài phổi, BK vào đại tuần hoàn đi khắp cơ thể gây bệnh (tiết niệu, hạch, não, màng não...). Tổn thương là những nốt nhỏ như hạt kê nên gọi là lao kê. Bệnh xuất hiện khi cơ thể bị suy yếu như sau sởi, suy dinh dưỡng, viêm phổi... Lao kê thường gặp ở trẻ em, hãn hữu mới gặp ở người lớn. Cần lưu ý, sau khi BK vào cơ thể, bệnh sẽ diễn biến qua 2 giai đoạn là nhiễm lao rồi đến bệnh lao, phụ thuộc vào mức độ nhiễm nhiều hay ít (lượng BK) và sức đề kháng của cơ thể. Bệnh phát ngay sau khi nhiễm lao gọi là tiên phát, đa số gặp ở trẻ dưới 4-5 tuổi như lao kê, lao hạch, lao màng não... và ít lây.
Dấu hiệu lao kê ở trẻ em: Sốt dao động, đổ mồ hôi trán và lưng, rối loạn hô hấp (ho, khó thở, tím tái đầu chi...). Có đến 80% ca lao kê có thương tổn màng não (dấu hiệu nôn vọt, cổ cứng, quay mặt vào phía tối), khám phổi có nhiều ran ẩm. Với người lớn có thể sốt cao, ho khan, khó thở hoặc không có triệu chứng, tình cờ chụp phổi phát hiện ra. Để xác định chắc chắn là lao kê, cần chụp phổi (có những hạt như hạt kê với kích thước, độ cản quang và phân bố đều ở 2 phổi); xét nghiệm đàm tìm BK, cấy máu...
Lao kê cũng được điều trị theo phương pháp trị liệu ngắn ngày, theo dõi trực tiếp (DOTS), đạt hiệu quả 90%. Để phòng lao kê, cần tiêm vacxin BCG cho trẻ mới sinh. Không để trẻ suy dinh dưỡng, bị các bệnh mãn tính, nếu có thì cần điều trị kịp thời. Giữ nhà ở thông thoáng, vệ sinh thân thể và răng miệng thường xuyên. Tránh tiếp xúc với bệnh nhân lao.
BS Nguyễn Văn Thể, Sức Khỏe & Đời Sống