Nguồn lực dồi dào, cơ hội rộng mở
Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 01/05/2018
Một giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Tiềm năng và thách thức
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nước ta có 55,16 triệu lao động. Dự báo, đến năm 2025, lực lượng lao động ước đạt 63 triệu người. Nhu cầu việc làm tăng khoảng 7% mỗi năm. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh ở lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giảm mạnh ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Lực lượng lao động mở rộng ở khu vực kinh tế chính thức, giúp người lao động được thụ hưởng nhiều hơn các chính sách an sinh xã hội.
Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lao động Việt Nam chinh phục được nhiều thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản… Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ ổn định ở thị trường truyền thống, mà còn có xu hướng mở rộng sang những thị trường mới. Thị trường Rumani, Ba Lan, Na Uy,… bước đầu mời nước ta hợp tác về lĩnh vực y tế, điều dưỡng.
Tương lai của thị trường lao động Việt Nam có thêm những gam màu tươi sáng khi tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đều hằng năm. Đến nay, cả nước có gần 12 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ đang làm việc. Năm 2018, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục bổ sung cho thị trường khoảng 2 triệu lao động qua đào tạo, nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bằng cấp, chứng chỉ lên khoảng 25%. Tại những thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai,… tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 50 đến hơn 60%. “Lực lượng lao động dồi dào, chất lượng lao động từng bước được nâng lên đã và đang là tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong quá trình phát triển”, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.
Tuy nhiên, thị trường lao động, việc làm nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay: Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương chưa cao, khiến một số lao động chưa chuyên tâm với công việc, chưa chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Tại thời điểm cuối năm 2017, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương ở khu vực nông thôn mới đạt hơn 4,7 triệu đồng/người/tháng, ở khu vực thành thị đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp còn tồn tại ở lực lượng lao động giữ vai trò “xung kích” như thanh niên, lao động có trình độ cao. Đáng lo hơn, thị trường lao động nước ta còn mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, giữa nam và nữ, giữa khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức... Nếu chuẩn bị không tốt, hàng triệu lao động Việt Nam sẽ bị máy móc thay thế trong tương lai gần.
Chủ động thích ứng
Phân tích về thị trường lao động Việt Nam, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm một số công việc biến mất, nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới. Trong quá trình Việt Nam tham gia FTA, CPTPP… công việc mới tiếp tục hình thành. Do đó, Việt Nam có thể chủ động thích ứng với sự thay đổi này bằng cách hoàn thiện hành lang pháp lý về lao động, việc làm; cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất lao động.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam khuyến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng, phân bổ ngân sách, xây dựng chính sách, pháp luật có trách nhiệm giới, tạo điều kiện, cơ hội cho lao động nữ, nhất là lao động nữ ở vùng nông thôn, miền núi tiếp cận với thị trường lao động, việc làm.
Để lực lượng thanh, thiếu niên phát huy vai trò xung kích, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, các chính sách về lao động, việc làm, an sinh xã hội cần cởi mở hơn đối với lao động trẻ, tạo điều kiện cho số đông có cơ hội tham gia và thụ hưởng. Ngoài ra, thanh, thiếu niên cần được tư vấn nghề nghiệp từ sớm, có thể bắt đầu từ cấp tiểu học. Giáo dục và đào tạo nghề nên có sự tương thích giữa kỹ năng đào tạo với yêu cầu tuyển dụng lao động của thị trường.
Đối với nhóm lao động yếu thế, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. “Nhóm lao động yếu thế chiếm tỷ lệ không nhỏ trong lực lượng lao động xã hội. Giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách hiện nay”, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phản ánh.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và các quy định khác liên quan theo hướng khoa học, thực tiễn, tạo môi trường thuận lợi cho thị trường lao động, việc làm vận hành theo quy luật. Với sự chủ động đó, hy vọng trong tương lai không xa, lao động Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động nắm bắt các cơ hội phát triển.