Phát hiện phế tích nền móng tháp Chăm gần 1.000 năm tuổi

Văn hóa - Ngày đăng : 11:21, 02/05/2018

Các nhà khảo cổ của Viện Nghiên cứu Kinh Thành (Hà Nội) đã phát hiện một nền móng tháp Chăm có niên đại cách đây khoảng 1.000 năm tại phế tích tháp Chà Rây trên đồi Hòn Nóc, thuộc thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngày 30-4, PGS.TS Lại Văn Tới, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh Thành (Hà Nội) cho biết, đơn vị này phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Định thực hiện việc khai quật khảo cổ tại ngọn đồi Hòn Nóc (ở thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) từ ngày 10-4 đến nay.


Theo PGS.TS Lại Văn Tới, trong quá trình khai quật, đoàn khai quật đã phát hiện dấu tích nền kiến trúc của tháp tại phế tích tháp Chà Rây, được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ XI - XII. Trong đó, tháp chính được xây dựng trên ngọn đồi cao nhất, diện tích nền kiến trúc móng của tháp rộng gần 80m2 (chiều Đông - Tây dài 7,1m, chiều Bắc - Nam dài 10,4m). Cửa chính của tháp chính quay hướng đông, rộng 1,7m, hai bên cửa chính có 4 hố móng trụ lớn. Phía bắc tháp chính đoàn khai quật cũng đã phát hiện nền móng tháp nhỏ hơn, thấp hơn nền tháp chính 3m.

Hiện đoàn khai quật đang tiếp tục đào về phía nam (từ nền móng tháp phía bắc) để tìm dấu vết tháp phía nam của tháp chính.

Đoàn khảo cổ thực hiện khai quật khảo cổ tại ngọn đồi Hòn Nóc (ở thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).


Tuy nhiên, ngoài nền móng, gạch kiến trúc, ngói lợp, việc khai quật phế tích tháp Chà Rây hiện chưa phát hiện được hố thiêng, hồ bán nguyệt, tượng, phù điêu hay vật thờ cúng. Ngói lợp phát hiện tại phế tích tháp Chà Rây giống với số ngói tìm được ở các tháp khác tại tỉnh trước đây, vốn được các nhà nghiên cứu người Nhật xác định có niên đại từ thế kỷ thứ XI - XII, mang phong cách kiến trúc Khmer.

PGS.TS Lại Văn Tới đánh giá, trong 11 phế tích tháp của thị xã An Nhơn, phế tích tháp Chà Rây có quy mô kiến trúc, mặt bằng kiến trúc xác định tốt nhất. Đặc biệt là hệ thống cửa, với 4 móng trụ, đó có thể là hố chôn những móng trụ xây dựng cửa ra vào tháp.

Đoàn chỉ mới phát hiện nền móng gạch chứ chưa phát hiện được hố thiêng, hồ bán nguyệt, tượng, phù điêu hay vật thờ cúng ở tháp Chà Rây.


“Trong 3 phế tích tháp Lai Nghi, Rừng Cấm, Chà Rây được khai quật đã phát hiện cửa, hướng và quy mô, chúng tôi đánh giá tháp Chà Rây đạt được yêu cầu nhất. Đặc biệt, theo hướng đông, chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu của 2 phế tích là tháp phía bắc và phía nam tháp chính của tháp Chà Rây. Nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian còn lại là tìm ra đường ở phía đông lên tháp chính như thế nào? Nếu tìm được đường này thì đó là thành công rất lớn trong đợt khai quật này”, PGS.TS Lại Văn Tới nói.

Theo Dân trí